Dự thảo quy chế về quản lý taxi: Nâng chất lượng dịch vụ, giảm ùn tắc giao thông
Xã hội - Ngày đăng : 07:26, 16/12/2018
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện. Ảnh: Tuấn khải |
Tăng cường quản lý đối với taxi
- Xin ông đánh giá tổng thể về hiện trạng hoạt động taxi trên địa bàn Thủ đô hiện nay?
- Hoạt động taxi xuất hiện tại Hà Nội từ đầu những năm 1990. Đến nay, số lượng taxi lên tới hơn 19.200 xe của 74 doanh nghiệp, vận chuyển trung bình hơn 100 triệu lượt khách/năm.
Tuy nhiên, hoạt động taxi cũng bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, chất lượng cung ứng dịch vụ chưa cao; quản trị doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp (số xe chạy rỗng lớn, vẫn xảy ra hiện tượng tranh giành khách...); giá dịch vụ không linh hoạt so với biến động của thị trường; chưa tạo được hình ảnh văn minh trong nếp sống của nhân dân Thủ đô. Bên cạnh đó, việc xuất hiện các hãng xe ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành vận tải hành khách cạnh tranh mạnh mẽ với loại hình taxi truyền thống, đòi hỏi cần có một quy định quản lý để thúc đẩy quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của taxi truyền thống; đáp ứng yêu cầu khách quan của phát triển đô thị Hà Nội theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn việc đi lại của nhân dân.
- Được biết, quy chế “Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Hà Nội” đang được nghiên cứu. Ông có thể thông tin một số điểm chính của dự thảo này?
- Quá trình xây dựng dự thảo quy chế đã tổng hợp nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và quản lý; được Hiệp hội Taxi Hà Nội đồng tình ủng hộ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức phản biện xã hội.
Một số nội dung mới là: UBND thành phố thống nhất quản lý về số lượng xe taxi theo kế hoạch phát triển các phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô. Về chất lượng, ngoài quy định quản lý chất lượng xe taxi, còn có quy định đối với lái xe, đơn vị kinh doanh, hành khách đi xe taxi. Phần mềm dùng chung xe taxi Hà Nội hỗ trợ việc quản lý, kết nối và điều hành giữa hành khách, lái xe và đơn vị taxi, do Hiệp hội Taxi Hà Nội xây dựng và quản lý. Nếu để mỗi hãng xe taxi truyền thống phát triển một phần mềm sẽ gây khó khăn cho người sử dụng, không tạo lợi thế cạnh tranh cho taxi Hà Nội so với các hãng taxi công nghệ. Mặt khác, việc xây dựng phần mềm dùng chung và Trung tâm Quản lý phần mềm dùng chung taxi Hà Nội sẽ giúp các đơn vị taxi truyền thống hạn chế việc xe chạy rỗng, thông báo cho lái xe không tham gia giao thông tại các khu vực ùn tắc...
Về quy định vùng phục vụ, việc phân vùng hoạt động của taxi theo khu vực nội thành và ngoại thành là cần thiết, để khắc phục tình trạng xe taxi thường tập trung quá nhiều vào một số quận nội thành, gây ra hiện tượng quá tải, xe chạy lòng vòng, tranh giành khách gây ùn tắc giao thông. Danh sách xe taxi đăng ký hoạt động theo vùng sẽ được cập nhật vào dữ liệu phần mềm quản lý điều hành giao thông chung của thành phố để theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định.
Phần mềm dùng chung sẽ tích hợp với hệ thống GPS và có cảnh báo tới các xe vi phạm, không bảo đảm thời gian tối thiểu hoạt động trong vùng theo phương án đã đăng ký.
- Tình trạng thiếu điểm dừng, đỗ cho xe taxi cũng là một bất cập, thành phố sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Trong dự thảo quy chế có các quy định về điểm dừng, đón, trả khách cố định cho xe taxi; quy định về điểm đỗ xe taxi công cộng; quy định về điểm đỗ của doanh nghiệp. Trong đó, xe taxi được đón, trả khách tại các vị trí không cấm dừng, đỗ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, quy chế còn quy định trách nhiệm của các khách sạn, trung tâm thương mại, các bệnh viện, bến xe, nhà ga, điểm trung chuyển xe buýt, các khu vui chơi giải trí và khu vực công cộng… phải bố trí điểm dừng đón, trả khách cho xe taxi (trừ trường hợp bất khả kháng).
Thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải cũng đã cấp phép cho Hiệp hội Taxi Hà Nội một số điểm dừng đỗ tại khu vực trung tâm thành phố. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai việc này nhằm tạo điều kiện để taxi có nơi dừng, đỗ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Không “ngăn sông, cấm chợ”
- Một số ý kiến cho rằng, quy định về phân vùng quản lý taxi sẽ tạo nên tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Dự thảo quy chế quản lý taxi phân vùng hoạt động của xe taxi thành 2 vùng: Nội thành và ngoại thành. Quy định này không “ngăn sông, cấm chợ” mà nhằm phục vụ công tác điều hành chung của thành phố trong tổ chức giao thông, nhằm tránh tình trạng tập trung quá đông xe taxi tại một khu vực, thời gian nhất định, dễ gây ùn tắc giao thông.
Việc phân vùng bảo đảm doanh nghiệp hoạt động theo đúng nội dung đã đăng ký. Xe taxi vẫn có thể đi ra khỏi vùng để trả khách và đón khách ở ngoài vùng (tại các vị trí không cấm dừng, đỗ) theo nhu cầu của hành khách, nhưng xe đó phải bảo đảm tối thiểu 70% số chuyến hoạt động trong một tháng theo vùng đã đăng ký. Thông qua việc phân vùng, quản lý số liệu chuyến đi và nhu cầu gọi xe của từng khu vực, thành phố sẽ phân tích được số lượng khách thực tế và nhu cầu của từng khu vực, từ đó sẽ xem xét, cân đối và điều chỉnh phù hợp, giúp cho doanh nghiệp có định hướng kinh doanh tốt hơn.
- Vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản đóng góp ý kiến cho rằng, Hà Nội không nên quy hoạch số lượng và không nên “mặc đồng phục” cho xe taxi trên địa bàn. Quan điểm của Hà Nội về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Sau khi nhận được Văn bản số 11509/BGTVT-VT (ngày 11-10-2018) của Bộ Giao thông - Vận tải góp ý về quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn Thủ đô, Sở đã họp cùng các sở, ngành liên quan và thống nhất tiếp thu, giải trình đầy đủ.
Với ý kiến “không quy định quy hoạch số lượng phương tiện taxi, bởi theo Luật Quy hoạch thì nội dung này không còn phù hợp”, Ban Soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh sửa. Dự thảo mới như sau: “UBND thành phố thống nhất quản lý về phương tiện taxi theo kế hoạch phát triển các phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn thành phố, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố”. Việc quản lý số lượng xe vẫn là cần thiết để bảo đảm cân đối với nhu cầu và cơ sở hạ tầng giao thông của Thủ đô.
Về ý kiến “không quy định một màu sơn taxi”, hiện nay taxi Hà Nội đang có nhiều màu khác nhau, không dễ để người dân và du khách phân biệt. Việc quy định màu sơn cho taxi Hà Nội nhằm khắc phục hạn chế này, tạo điều kiện để xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ban Soạn thảo dự kiến đưa ra tối đa 5 màu cơ bản (vàng, đỏ, trắng, xanh, ghi) để định hướng màu sơn cho xe taxi. Đây cũng là những màu chủ đạo đang được các hãng taxi trên địa bàn sử dụng. 5 màu sơn này sẽ do Hiệp hội Taxi lựa chọn và công bố. Các hãng taxi lựa chọn để xây dựng màu thương hiệu riêng cho taxi của đơn vị mình. Theo quy định lộ trình thực hiện, từ năm 2019 thống nhất thiết kế màu sơn chung, từ năm 2026 thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố. Lộ trình này giúp các hãng taxi chủ động về màu sơn khi thay mới xe taxi, tránh việc mất thêm chi phí sơn lại khi xe còn niên hạn sử dụng.
- Vậy, ông có thể cho biết, dự kiến khi nào quy chế sẽ được ban hành và lộ trình thực hiện?
- Dự kiến trong tháng 12-2018, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội sẽ hoàn chỉnh dự thảo quy chế quản lý taxi kèm các báo cáo giải trình và tham mưu UBND thành phố gửi văn bản xin ý kiến Bộ Giao thông - Vận tải lần cuối trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sở rất mong nhận được góp ý, ủng hộ của các chuyên gia, cơ quan truyền thông và nhân dân Thủ đô để sớm hoàn thiện, ban hành được quy chế quản lý xe taxi. Quy chế này sẽ tạo động lực để các hãng taxi truyền thống của Hà Nội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hình ảnh, đủ sức cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và du khách khi đến với Thủ đô.
- Trân trọng cảm ơn ông!