Khơi thông điểm nghẽn, tạo sức bật mới

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:06, 16/12/2018

(HNM) - Trong 11 tháng năm 2018 đã có hơn 14,1 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái và sẽ hoàn thành mục tiêu đón 15 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.


Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào số liệu thống kê thì chưa đủ để hiểu được những khó khăn, thách thức mà ngành công nghiệp không khói đang phải đối mặt trong chiến lược phát triển bền vững. Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2018 - lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội mới đây - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thẳng thắn đặt vấn đề: Làm sao có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế như mấy năm qua, thậm chí phải tăng nhanh hơn nữa?

Để trả lời cho câu hỏi trên ngoài việc biết tận dụng các lợi thế, khai thác tốt tiềm năng sẵn có, còn phải biết khơi thông những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của du lịch hiện nay. Các điểm nghẽn đã được Tổng cục Du lịch chỉ ra là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường; sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao, xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế…

Tất cả những tồn tại trên cho thấy, việc tái cơ cấu ngành Du lịch là cần thiết nếu muốn thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết trên, ngày 5-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1685/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn". Đề án đặt trọng tâm ưu tiên cơ cấu lại thị trường khách du lịch, sản phẩm du lịch và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là những giải pháp đáp ứng nguồn nhân lực cho du lịch trong giai đoạn mới. Việc cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch được triển khai theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp.

Để đạt được những mục tiêu trên, trước mắt ngành Du lịch cần tập trung khai thác các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế; ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch đặc sắc mà du khách chỉ có thể trải nghiệm ở Việt Nam. Đồng thời, cần phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng như du lịch sáng tạo, mua sắm, cộng đồng...

Về lâu dài, ngành Du lịch tập trung thực hiện các nhóm giải pháp sau: Thứ nhất, nâng cao chất lượng dịch vụ. Thứ hai, xây dựng môi trường du lịch nhân văn, bền vững. Thứ ba, phát triển du lịch hài hòa với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường. Thứ tư, đào tạo và cải thiện nguồn nhân lực du lịch. Thứ năm, phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch.

Không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả với các nước phát triển trên thế giới, du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho quốc gia, tạo việc làm, phát triển các ngành dịch vụ mà còn thúc đẩy hòa bình, giao lưu văn hóa. Vì thế, việc sớm khắc phục những bất cập là cần thiết để phát triển du lịch bền vững và nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Muốn vậy, không chỉ ngành Du lịch mà mỗi người dân cần có nhận thức đúng đắn, đồng lòng thực hiện Đề án thông qua những việc làm, hành động thiết thực để tăng sức hấp dẫn, tiếp lực, tạo sức bật mới cho "ngành công nghiệp không khói" nước nhà.

Đình Hiệp