Đẩy lùi nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 07:49, 16/12/2018
Học viên học nghề tại Cơ sở cai nghiện ma túy số I Hà Nội, xã Yên Bài (huyện Ba Vì). |
Nhức nhối khu vực giáp ranh
Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết: Trên địa bàn TP Hà Nội, có một số điểm công cộng và điểm kinh doanh dịch vụ có biểu hiện hoạt động mại dâm. So với năm 2017, số điểm nghi ngờ có hoạt động mại dâm giảm xuống, song tệ nạn này vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường khi toàn thành phố có tới gần 5.800 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội đang hoạt động. Đáng chú ý, những điểm nghi ngờ thường chỉ là nơi giao dịch, thỏa thuận giá cả. Ngã giá xong, người bán và người mua chuyển địa điểm hoạt động đến nhà riêng, nhà thuê, nhà nghỉ, khách sạn…, nên rất khó phát hiện, xử lý.
Tương tự mại dâm, tệ nạn ma túy đang diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, số người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn thành phố hiện nay là hơn 13.400 người, tăng hơn 600 người so với cùng kỳ năm trước. Đáng lo hơn, số người nghiện ma túy tổng hợp và heroin thường rất khó cai nghiện, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe chiếm tới 97,5% trong tổng số người nghiện ma túy. Trên thực tế, khoảng 70% số người nghiện ma túy ở Hà Nội đã và đang được cai nghiện, điều trị, nhưng tỷ lệ thành công không đáng kể, để lại những hậu quả đau lòng cho bản thân người nghiện, gia đình và xã hội.
“Người sử dụng ma túy tổng hợp có triệu chứng hoang tưởng, lo âu, ảo giác, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi. Sử dụng ma túy tổng hợp lâu ngày có thể khiến con người bị trầm cảm, bị thôi thúc thực hiện những hành vi tiêu cực. Ước tính có khoảng 50% số người nghiện ma túy đã và đang gặp những vấn đề về sức khỏe thể chất, tâm thần”, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho hay.
Nỗ lực đấu tranh
Các cơ quan chức năng xác định rõ, việc đấu tranh, tấn công, triệt phá những tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội là giải pháp hữu hiệu để TP Hà Nội xây dựng môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh. Trên tinh thần đó, trong năm 2018, Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm từ thành phố đến các địa phương đã tiến hành theo dõi, kiểm tra hàng nghìn lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, qua đó phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính gần 200 cơ sở với số tiền gần 700 triệu đồng. Lực lượng công an đã triệt phá 158 vụ liên quan đến hoạt động mại dâm, bắt giữ 672 đối tượng, trong đó có 514 đối tượng bị xử lý trách nhiệm hình sự. Mạng lưới cơ sở cai nghiện đã tiếp nhận, điều trị cai nghiện ma túy cho hơn 9.000 người.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các quận, huyện, thị xã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Nhiều địa phương đã xây dựng mô hình phòng, chống ma túy, mại dâm tại cộng đồng; thành lập các đội công tác xã hội tình nguyện. Trong cộng đồng xuất hiện nhiều người có trái tim nhân ái, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng che chở những mảnh đời lầm lỗi trở về. Có thể kể đến là bà An Thị Hồng, Đội trưởng Đội xã hội tình nguyện, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng với gần 30 năm miệt mài động viên, khuyên nhủ người nghiện ma túy đoạn tuyệt với “cái chết trắng”, giúp một số người nghiện, người có HIV tìm thấy giá trị cuộc sống.
Bằng sự tận tâm, khéo léo, bà Đinh Thị Lan, thành viên Câu lạc bộ B93 dành cho những người sau cai nghiện ma túy ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy đến từng nhà, gặp từng người lỡ vướng vào ma túy để động viên họ tự tin hòa nhập. Anh Phạm Vũ U. (27 tuổi) cho biết: “Sau khi cai nghiện trở về, tôi được bà Lan và các thành viên Câu lạc bộ B93 phường Mai Dịch giúp đỡ rất nhiều. Có chút kiến thức về pháp luật, lại được hỗ trợ học nghề, tôi có động lực từ bỏ hẳn ma túy. Hiện nay, tôi đã mở một hiệu cắt tóc ở khu Đồng Xa, phường Mai Dịch, ngày ngày chăm chỉ làm ăn, sống vui, sống có ích”.
Tệ nạn xã hội len lỏi trong cộng đồng, diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, làm gia tăng các loại tội phạm. Trong những năm qua, các cơ quan chức năng TP Hà Nội đã phối hợp đấu tranh có hiệu quả, đẩy lùi nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội bằng cách tăng cường kiểm tra, giám sát, xây dựng thế trận trong lòng dân… Tuy vậy, tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp ở một số nơi, nhất là khu vực giáp ranh. Để đẩy lùi tệ nạn xã hội, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi người cần có ý thức chủ động phòng, chống, góp phần tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh cho xã hội phát triển toàn diện, bền vững.