Đưa quy tắc ứng xử vào cuộc sống

Đời sống - Ngày đăng : 08:08, 16/12/2018

(HNM) - Sau gần 2 năm đi vào cuộc sống, 2 quy tắc ứng xử gồm Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội đã có những tác động tích cực, rõ nét.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Viết Thành


Hiện thực hóa quy tắc ứng xử

Một điểm nhấn ở xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) được nhắc nhiều hiện nay là những con đường hoa rực rỡ sắc màu. Với chính quyền và nhân dân xã Cổ Loa, đây cũng là một trong những giải pháp hiện thực hóa quy tắc ứng xử cho mục tiêu nâng cao ý thức cộng đồng, chung tay chăm sóc, gìn giữ cảnh quan, môi trường.

Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Thị Lương cho hay: Những con đường hoa là thành quả của đề án “Đẹp” được UBND xã phát động nhằm góp phần thay đổi diện mạo các điểm sinh hoạt cộng đồng, khu dân cư, cơ quan, trường học... Điều đáng quý ở đây là sự hưởng ứng của người dân góp phần đưa phong trào lan tỏa. Nhiều nơi, người dân tự nguyện bỏ công sức, kinh phí để nhân rộng đường hoa tới tận từng ngõ xóm, từng nhà.

Không chỉ hình thành các tuyến đường hoa, phong trào còn góp phần xóa bỏ nhiều điểm tập kết rác thải bừa bãi, khu vực bị chiếm dụng trái phép… Sự đón nhận các quy tắc ứng xử của cán bộ, người dân Cổ Loa không chỉ thể hiện ở những thay đổi trong hành vi, lời nói mà còn ở lối ứng xử có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng.

Nếu như xã Cổ Loa có mô hình đường nở hoa để hiện thực hóa quy tắc ứng xử thì Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội lại có cách tiếp cận nội dung này thông qua mô hình thi đua thực hiện tốt 10 khẩu hiệu tại các đơn vị thực hiện dịch vụ công. Có thể kể đến các khẩu hiệu, như: Khách đến, được chào hỏi; khách hỏi, được tư vấn; khách yêu cầu, phải tận tâm; khách vội, giải quyết nhanh; khách phàn nàn, phải lắng nghe; khách chờ, được xin lỗi…

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành nhấn mạnh: Những khẩu hiệu này nhằm cụ thể hóa phong cách, tác phong làm việc, là gương soi để mỗi cán bộ, công chức, người lao động điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực hơn. Nhờ vậy, trong năm qua, không có cán bộ, công chức vi phạm nội quy, quy chế. Nhiều cá nhân, tập thể nhận được thư khen của công dân…

Vẫn còn hiện tượng triển khai hình thức

Sau gần 2 năm triển khai, không thể phủ nhận, nhiều địa phương, sở, ngành đã rất nỗ lực, sáng tạo nhằm đưa các quy tắc ứng xử vào cuộc sống. Sở Y tế Hà Nội yêu cầu cán bộ, công chức niêm yết nội dung quy tắc ứng xử ngay trên bàn làm việc; quận Thanh Xuân mở chuyên trang “Văn minh - thanh lịch” trên cổng thông tin điện tử; in, phát nội dung quy tắc ứng xử kèm với tờ rơi quảng bá điểm đến tham quan; quận Bắc Từ Liêm bổ sung quy tắc ứng xử vào Quy ước tổ dân phố, các phong trào thi đua ở địa phương…

Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Ngô Văn Nam cho biết: Bằng rất nhiều cách làm hay, sáng tạo, hầu hết các hộ dân, các cán bộ, công chức trên toàn thành phố đã được tiếp cận với hệ thống quy tắc ứng xử. Cùng với đó, nhiều mô hình hay, cách làm tốt được áp dụng, nhân rộng.

Tuy nhiên, dù việc triển khai quy tắc ứng xử đã được quan tâm, nhưng vẫn còn tồn tại một thực tế, việc tuyên truyền, thực hiện nội dung này ở nhiều nơi còn hời hợt, thiếu chiều sâu hay người dân dửng dưng, thậm chí vi phạm quy tắc ứng xử. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng chỉ ra những hạn chế: Địa phương chưa tạo được điểm nhấn trong việc tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Việc triển khai Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, người lao động còn thiếu kiểm tra, đôn đốc đi kèm. Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà cũng thừa nhận: Vẫn còn một số cán bộ, công chức, người lao động đi làm muộn, không dự chào cờ đầu tuần, phát ngôn tùy tiện cũng như thiếu ý thức giữ sạch sẽ không gian làm việc.

Vừa qua, quận Thanh Xuân đã tiến hành kiểm tra đột xuất, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, hạ bậc thi đua 6 cán bộ, công chức không chấp hành nội quy làm việc. Trong đợt kiểm tra tình hình triển khai quy tắc ứng xử trên địa bàn TP Hà Nội vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành cũng ghi nhận, bên cạnh những điểm làm tốt, vẫn còn nhiều nơi chưa đạt yêu cầu. Nhà văn hóa thôn Đản Dị, di tích đình Tó… xã Uy Nỗ (Đông Anh) niêm yết bảng quy tắc ứng xử ở nơi thiếu trang trọng, không dễ tiếp cận; treo dán thiếu thẩm mỹ, chưa phù hợp với không gian văn hóa… Không ít nơi khác, công chức, người lao động còn chểnh mảng với công việc, có thái độ không phù hợp với công dân…

Để khắc phục tình trạng này, theo Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình Ngô Văn Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện nhiều đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện, nhân rộng điển hình, đồng thời xử lý những tồn tại nhằm mang lại hiệu quả thực sự trong thực hiện quy tắc ứng xử.

Nguyễn Thanh