Giải pháp từ công nghệ và nhận thức

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:54, 17/12/2018

(HNM) - Cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, đời sống người dân khu vực nông thôn đang chuyển mình mạnh mẽ. Song, điều này lại tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường.


Thực trạng thiếu công nghệ, nguồn lực là cản trở lớn cho việc tiến hành các giải pháp thu gom, tái sử dụng rác thải hiệu quả. Do đó, để giải bài toán xử lý rác thải nông thôn một cách bền vững thì một trong những yêu cầu quan trọng là phải thay đổi nhận thức cộng đồng, huy động nguồn lực đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.

Thực tế hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt thường được xử lý bằng 3 hình thức: Đốt, chôn lấp và sản xuất phân compost. Trong đó, cách thức chôn lấp rác đã bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi phải sớm được thay thế bằng công nghệ tiên tiến; sản xuất phân compost cũng đang được nhiều chuyên gia khuyến cáo hạn chế vì phân compost từ rác chứa nhiều chất xơ sợi có thể tác động xấu đến đất trồng, môi trường. Riêng mô hình đốt rác được xem là giải pháp tốt nhất hiện nay cho xử lý rác.

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, do ngân sách hạn chế nên số lò đốt rác không nhiều và công suất thấp, việc vận hành đôi khi không đúng yêu cầu kỹ thuật dẫn đến không bảo đảm về môi trường (chất lượng khí thải sau đốt) và chưa tận dụng được nguồn lợi từ rác.

Đối với Hà Nội, thành phố đang tập trung các giải pháp xử lý mang tính lâu dài như quy hoạch các cơ sở xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến phân bố theo vùng (huyện), liên vùng (quận - huyện) để kêu gọi đầu tư xử lý rác nông thôn một cách triệt để. Thành phố khuyến khích đầu tư các dự án đốt rác, thu hồi nhiệt năng để phát điện, đạt tiêu chuẩn môi trường của châu Âu.

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất lò đốt rác trong nước đã làm chủ được công nghệ. Tuy nhiên, công nghệ đốt chất thải thành điện vẫn còn khá mới, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn nên cần sự quan tâm, định hướng trong việc chọn công nghệ phù hợp và một cơ chế tài chính cần thiết để huy động nguồn lực đầu tư.

Cùng với việc tạo cơ chế chính sách thuận lợi, cơ quan quản lý phải thay đổi tư duy quản lý nhằm khích lệ tư nhân tham gia đầu tư, đồng thời làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về phân loại, kiểm soát nguồn rác đáp ứng yêu cầu cung cấp cho các nhà máy, nhất là khi ở khu vực nông thôn chưa có hệ thống thu gom, vận chuyển rác đến cơ sở xử lý hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó là khuyến khích tăng cường nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công nghệ và thiết bị xử lý rác; có định hướng công nghệ xử lý chất thải phù hợp với nền kinh tế sạch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; có chính sách quản lý đối với việc ứng dụng công nghệ phù hợp với nguồn lực của từng vùng, liên vùng.

Việc lựa chọn các công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ quản lý và tập quán của từng vùng có vai trò quan trọng trong việc huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nông thôn; huy động đóng góp về tài chính, nhân lực, sự tham gia các dịch vụ quản lý chất thải của các tổ chức, cá nhân. Từ đó mới có thể kỳ vọng hình thành mô hình xử lý rác hoàn thiện đạt được cả các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường.

Tuấn Kiệt