Bài cuối: Chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu thị trường
Giới trẻ - Ngày đăng : 08:12, 17/12/2018
Lớp học nghề mây, tre, giang đan ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) được thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa. |
Khơi nguồn nội lực
Khi đến thăm Trung tâm Dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh, thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), chúng tôi gặp các học viên thuộc rất nhiều lứa tuổi. Thoạt nhìn, ai nấy đều ngỡ lớp học này có tình trạng “đánh trống ghi tên”, đi học theo phong trào. Nhưng thực tế, lớp học được mở ra nhằm đào tạo lực lượng lao động bổ sung cho làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh, bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể theo học.
Kinh phí đào tạo chủ yếu do các doanh nghiệp sử dụng lao động đầu tư. Trò chuyện tại lớp học, chị Phạm Thị Hoa, thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa cho hay: “Học viên thực hành là chủ yếu, người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, người biết ít hướng dẫn những người chưa biết. Vừa học, vừa làm ra sản phẩm, nên học viên được trả lương theo năng suất lao động ngay trong quá trình học”. Ngoài lớp dạy nghề nêu trên, năm 2018, toàn huyện Chương Mỹ tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 2.500 lao động nông thôn, vượt hơn 20% kế hoạch. Sau học nghề, đại đa số lao động có ngay việc làm, có thu nhập khoảng 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự cách làm của huyện Chương Mỹ, từ năm 2017 đến nay, quận Hà Đông không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để đào tạo nghề cho nhóm lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách ưu tiên. Bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, mô hình chính quyền và doanh nghiệp cùng tiến hành khảo sát, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn mang lại nhiều lợi ích. Doanh nghiệp có nguồn nhân lực đầu vào chất lượng, muốn gắn bó lâu dài. Người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, chắc chắn có nơi tiếp nhận sau khi đào tạo nên yên tâm đăng ký theo học. Kinh phí đào tạo được huy động từ nguồn xã hội hóa, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vừa tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các nghề được tổ chức đào tạo thực sự phù hợp nhu cầu của người lao động. Như ở quận Hà Đông, những nghề nằm ngoài danh mục được hỗ trợ đào tạo nghề của thành phố như ghép tranh vải, làm chổi chít, kỹ thuật chế biến món ăn… vẫn được triển khai, với hàng trăm học viên theo học trong năm 2018. Có ít nhất 80% lao động đã tìm được việc làm sau khi học nghề.
Ngoài hai địa phương tiên phong, trong buổi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội vào đầu tháng 12 vừa qua, ông Lý Duy Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cũng kiến nghị UBND thành phố dừng việc hỗ trợ vốn ngân sách cho công tác dạy nghề lao động nông thôn từ năm 2019. Những trường hợp thực sự có nhu cầu, huyện Gia Lâm sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ đào tạo nghề từ nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa. Huyện Phúc Thọ và một số địa phương khác cũng khẳng định, có thể sử dụng các nguồn lực xã hội để hỗ trợ dạy nghề cho nhóm lao động được thụ hưởng các chính sách ưu tiên.
Linh hoạt trong quá trình triển khai
Cho rằng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ phát huy hiệu quả tích cực nếu được triển khai mềm dẻo, linh hoạt, ông Kiều Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất đề xuất các cơ quan chức năng nghiên cứu thay đổi thời gian, hình thức đào tạo nghề. Các nghề nông nghiệp nên được chuyển đổi sang hình thức tập huấn kỹ thuật khuyến nông vào mùa vụ, giúp học viên có điều kiện thực hành tốt nhất. Một số nghề phi nông nghiệp nên được đào tạo trong khoảng thời gian nhiều hơn 3 tháng để người lao động thành thạo tay nghề. Ở những làng nghề truyền thống, thành phố nên có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp truyền nghề cho người lao động tương tự mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang triển khai… Đây cũng là ý kiến của đại diện lãnh đạo nhiều địa phương trong các chương trình đánh giá về chính sách hỗ trợ dạy nghề cho nhóm lao động đặc thù này.
Dưới góc độ người học, chị Nguyễn Thị Nga, thôn Nội, xã Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa) mong muốn các cơ quan chức năng bổ sung một số nghề vào danh mục hỗ trợ đào tạo, tăng độ tuổi và mở rộng đối tượng học nghề. Còn với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, ông Nguyễn Văn Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, việc dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội đang triển khai theo một khung chương trình thống nhất dẫn đến sự cứng nhắc, vì trình độ của người học không giống nhau, nhu cầu của người học cũng rất khác nhau.
Chia sẻ với chúng tôi về những băn khoăn, kiến nghị trên, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội giải thích, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã triển khai trên địa bàn TP Hà Nội nhiều năm, nên phần lớn lao động có nhu cầu và đủ điều kiện đã được hỗ trợ học nghề. Đa số lao động còn lại không thuộc diện được hỗ trợ hoặc đã quá tuổi. Một số khác có nhu cầu đào tạo chuyên sâu, không lựa chọn hình thức đào tạo ngắn hạn.
Cũng theo bà Nhàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép điều chỉnh rút ngắn thời gian đào tạo nghề từ 3 tháng xuống còn khoảng 1,5-2 tháng. Cùng với thành phố, các địa phương đang rà soát, đánh giá chi tiết từng ngành, nghề, lĩnh vực cần hỗ trợ đào tạo làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho năm 2019 và những năm tiếp theo. "Ngoài ra, các nhà trường tích cực tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp, giúp các em có thể hình dung rõ hơn về nghề nghiệp trong tương lai. Những em không theo học cao đẳng, đại học có thể dễ dàng lựa chọn học nghề trình độ sơ cấp, trung cấp", bà Nguyễn Thanh Nhàn thông tin.