Phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội: Cung ít, cầu nhiều

Bất động sản - Ngày đăng : 07:36, 18/12/2018

(HNM) - Theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội năm 2015 và các năm tiếp theo (2016-2020), Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, phát triển hơn 6,3 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, công nhân, người thu nhập thấp.

Dự án Nhà ở xã hội tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) khi hoàn thành sẽ góp phần tăng nguồn cung nhà ở xã hội tại Hà Nội. Ảnh: Yên Khánh


Chưa đáp ứng nhu cầu

Hơn 15 năm sống và làm việc tại Hà Nội, vợ chồng chị Đỗ Thu Huyền (quê Hà Nam, hiện đang công tác tại Tạp chí Sân khấu - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) chưa từng nghĩ có ngày sở hữu một căn nhà ở Hà Nội. Với mức lương công chức 7-9 triệu đồng/ người/tháng, trừ tiền sinh hoạt phí, tiền thuê nhà, tiền học cho con,... thì dù cố gắng tằn tiện cũng không đủ mua nhà. Năm 2015, nhờ “gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng”, được ngân hàng cho vay đến 70% giá thành căn hộ và trả góp trong vòng 15 năm, vợ chồng chị Huyền mới có cơ hội sở hữu căn hộ hơn 60m2 tại Khu đô thị Hồng Hà Eco City (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì).

Thực tế, giống như gia đình chị Huyền, rất nhiều gia đình trẻ, người thu nhập thấp; người dân từ các tỉnh, thành phố khác chuyển về sống và làm việc tại Thủ đô đều khao khát sở hữu một căn hộ để an cư. Tuy nhiên, nhiều người “lực bất tòng tâm”, bởi giá nhà của nhiều dự án vượt quá khả năng chi trả.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (hơn 25 triệu đồng/m2) chỉ chiếm 20-30% nhu cầu thị trường. Trong khi đó, với nhà ở xã hội, nhà ở bình dân, nhu cầu thị trường rất lớn, chiếm 60-70%. Tuy nhiên, nguồn cung đang rất thiếu. Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, nhu cầu nhà ở xã hội tại khu vực đô thị cần đến 12,5 triệu mét vuông sàn. Song đến nay, các dự án đã hoàn thành và đang triển khai mới có tổng cộng 3,92 triệu mét vuông, đạt 31% so với kế hoạch.

Tại Hà Nội, theo Quyết định 6336/QĐ-UBND (ngày 28-11-2014) của UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2015 và các năm tiếp theo (2016-2020), thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành đầu tư xây dựng hơn 6,3 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, cộng 6 dự án đã hoàn thành, 43 dự án đang triển khai và 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội của 58 dự án nhà ở thương mại, dự kiến hoàn thành từ nay đến năm 2020, Hà Nội vẫn còn thiếu hơn 2,1 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội.

Đâu là nguyên nhân?


Thực tế, từ khi gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng kết thúc cũng là thời điểm cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng, các dự án nhà ở xã hội triển khai rất chậm. Thậm chí, một số dự án đang triển khai đã phải dừng lại hay không hoàn thành đúng tiến độ vì thiếu vốn như AZ Thăng Long Bright City (huyện Hoài Đức); có dự án đã hoàn thiện, nhưng bán hàng còn khó khăn vì khách hàng không được vay vốn ưu đãi như dự án nhà ở xã hội The Vesta (quận Hà Đông)...

Ngoài nguyên nhân thiếu vốn, thì tại các đô thị có lượng lao động trẻ, nhập cư lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, nhưng cung thiếu, hoặc có nhưng quá xa trung tâm, đi lại khó khăn nên chưa tạo được sức hút. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư cũng không mấy mặn mà với phân khúc này. Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhà ở xã hội được ưu đãi thuế đất, nhưng bị khống chế về giá, lợi nhuận, trong khi giá vật liệu xây dựng, nhân công… không giảm. Do đó, lợi nhuận không bằng đầu tư nhà ở thương mại, không thu hút nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc triển khai phát triển nhà ở xã hội trên thực tế cũng đối mặt với nhiều vướng mắc; việc xác định quỹ đất không gắn nhu cầu thực tế, thiếu kết nối hạ tầng của dự án với khu vực... Ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thực tế khi phát triển nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố đã phát sinh bất cập như: Chưa có quy định tỷ lệ phần trăm đất ở dành để phát triển nhà ở xã hội khi lập, thẩm duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chung. Do đó, thiếu tính chủ động khi bố trí quỹ đất, đề xuất dự án xây dựng nhà ở xã hội theo kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố. Việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% phụ thuộc vào công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nên tiến độ thường chậm...

Để tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt dự án nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung thêm gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng nhằm đẩy nhanh tiến độ 205 dự án đang thiếu vốn; cấp 3.431 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng để bù lãi suất cho vay trong năm 2018.

Về phía Hà Nội, nhằm triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, UBND thành phố cũng vừa báo cáo, kiến nghị Bộ Xây dựng một số giải pháp đặc thù: Nghiên cứu bổ sung quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch đô thị; triển khai 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung tại 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Thường Tín (đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc); rà soát toàn bộ quỹ đất 20% trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, kiên quyết thu hồi, hoặc dừng các dự án chậm triển khai để đề xuất vị trí quỹ đất phục vụ phát triển nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

Dạ Khánh