Phát triển bền vững là con đường tất yếu, yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:38, 18/12/2018
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững”. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN |
Tham dự về phía Việt Nam có: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Các đại biểu quốc tế có: Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong; Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng các cơ quan đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra, một số nghị sĩ, chuyên gia quốc tế của UNDP và IPU.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến tham dự hội nghị. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách của Nhà nước… Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền và hoàn thiện các thiết chế quản trị nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong hơn 15 năm qua, kể từ khi thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), nền tảng của các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Quốc hội Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quan trọng vì sự phát triển bền vững, đã ban hành mới và sửa đổi bổ sung hơn 300 đạo luật, ban hành Hiến pháp năm 2013. Quốc hội thông qua Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tham gia xây dựng Chiến lược quốc gia về các Mục tiêu phát triển bền vững. Đại diện các cơ quan của Quốc hội là thành viên tham gia Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước về kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Quốc hội cũng chú trọng việc nâng cao nhận thức của người dân về các Mục tiêu phát triển bền vững, sự cần thiết của việc lồng ghép các mục tiêu này, đưa các Mục tiêu phát triển bền vững trở thành các mục tiêu quốc gia trong dài hạn; qua đó huy động các nguồn lực và sự tham gia của người dân vào việc thực hiện các mục tiêu này…
Tổng Thư ký IPU Martin Chungong phát biểu đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Nhấn mạnh Việt Nam là nước đầu tiên thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức hội nghị về nội dung này, ông Martin Chungong bày tỏ tin tưởng rằng, với sự hợp tác của Quốc hội Việt Nam, sẽ có nhiều kết quả đạt được trong thời gian tới, tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Đây là trách nhiệm vô cùng quan trọng đối với các nghị viện.
Tổng Thư ký IPU khẳng định cam kết của Liên minh Nghị viện thế giới trong việc hỗ trợ các nghị viện thành viên, trong đó có Quốc hội Việt Nam trong quá trình hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về các Mục tiêu phát triển bền vững.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu nhấn mạnh, Hội nghị “Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững” - một sự kiện rất quan trọng, ý nghĩa; thể hiện sinh động sự quan tâm của Quốc hội Việt Nam, Nghị viện các nước, các tổ chức quốc tế trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng phải bền vững và nếu phải đặt lên bàn cân thì cần ưu tiên hơn cho yêu cầu bền vững, cụ thể và trực tiếp nhất là cho bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc ưu tiên bố trí nguồn lực, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh; trồng và bảo vệ rừng; xây dựng các chính sách cụ thể khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh; thực hiện tốt các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới. Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường năng lực sáng tạo quốc gia và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển bền vững, nhất là trong kết nối hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, theo dõi, giám sát, đánh giá theo chuẩn mực quốc tế đối với các Mục tiêu phát triển bền vững...
Tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đã trao bản tiếng Việt "Bộ công cụ các Nghị viện tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững" cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
* Sáng cùng ngày, trong khuôn khổ Hội nghị “Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững, Quốc hội Việt Nam phối hợp với IPU và UNDP tổ chức phiên họp tổng quan về Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và vai trò của Nghị viện. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Tổng Thư ký IPU Bên lề Hội nghị “Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững”, sáng 17-12, tại TP Đà Nẵng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong. |