11 truyền thống Giáng sinh kỳ quặc trên thế giới

Chuyện đó đây - Ngày đăng : 15:11, 19/12/2018

Từ hóa trang thành động vật tới giấu chổi, ném giày... mỗi quốc gia lại có những truyền thống đặc biệt để chào đón Giáng sinh.


Krampus (Nam Đức và Áo):
Krampus được biết đến là quái vật nửa người nửa dê, đeo giỏ trên lưng. Chiếc giỏ này chứa những đứa trẻ cư xử tồi và đưa chúng xuống âm giới. Hình tượng đáng sợ này có trong truyện dân gian của nhiều quốc gia, như Áo và Nam Đức. Nhiều thành phố tổ chức lễ hội Krampuslauf, trong đó nam giới hóa trang thành Krampus, cầm đuốc chạy dọc những con phố. Ảnh: Daily Mail.


Giấu chổi (Na Uy):
Người Na Uy tin rằng phù thủy và các linh hồn xấu xa sẽ ra ngoài vào đêm Giáng sinh. Do đó, các gia đình sẽ giấu chổi quét, chổi lau trước khi đi ngủ để phù thủy không đánh cắp. Đôi khi, gỗ thông được đốt trong lò sưởi để ngăn phù thủy vào nhà theo đường ống khói. Ảnh: RWScoop.


Dê Yule (Thụy Điển):
Dê Yule là một trong những truyền thống Giáng sinh lâu đời của vùng Scandinavia và Bắc Âu. Ban đầu, con dê giống như một vị khách đến xem các lễ mừng đã kết thúc hay chưa, nhưng theo thời gian, trở thành một hình tượng giống như Santa và đi phát quà vào đêm Giáng sinh. Ngày nay, ở Thụy Điển, những bức tượng dê bằng rơm được dựng ở các thành phố khắp nước. Ảnh: Thelocal.


Lễ hội Gà trống (Bolivia):
Những lễ diễu hành dịp Giáng sinh ở Bolivia được tổ chức sôi động. Tương truyền, vào đêm Chúa ra đời, một con gà trống đã gáy lúc nửa đêm để thông báo điều này. Do đó, người Bolivia đổ về nhà thờ để ăn mừng Misa del Gallo - “Lễ hội Gà trống” vào ngày này hàng năm. Ảnh: Hotel Son Brull.


Nhện đem may mắn (Ukraine):
Theo truyền thuyết cổ xưa của người Ukraine, một góa phụ nghèo và con của cô tìm thấy cây thông Giáng sinh trong vườn nhà, nhưng không có tiền để trang trí cây. Họ đem cây vào nhà và sáng Giáng sinh, những chiếc mạng nhện phủ đầy cây. Khi bé út mở cửa sổ và ánh sáng ban ngày chiếu lên, mạng nhện biến thành bạc và vàng. Vì thế, người Ukraine thường trang trí cây thông bằng nhện và mạng nhện nhựa. Việc thấy mạng nhện vào sáng Giáng sinh được xem là một điềm báo may mắn. Ảnh: Agesci Marche.


Ném một chiếc giày (Cộng hòa Czech):
Vào ngày Giáng sinh, phụ nữ độc thân sẽ ném giày qua vai về hướng cửa ra vào. Nếu giày rơi xuống với mũi hướng về phía cửa, cô sẽ kết hôn trong năm tới. Nếu gót giày hướng về phía cửa, cô sẽ tiếp tục độc thân một năm nữa. Ảnh: Pickleball Portal.


13 ông già Yule (Iceland):
Ở Iceland, 13 ông già Yule với 13 tính cách khác nhau sẽ thay vai trò của ông già Noel. Mỗi người sẽ đến thăm những đứa trẻ vào 13 ngày trước Giáng sinh. Trẻ em sẽ đặt một chiếc giày ở cửa sổ phòng ngủ mỗi tối. Nếu chúng ngoan ngoãn, họ sẽ để lại kẹo hoặc những món quà nhỏ. Trong lịch sử, họ được mô tả khá đáng sợ khi để lại khoai tây thối cho trẻ hư, nhưng hình tượng này đã được mềm mại hóa theo thời gian. Ảnh: North Iceland.


Tiệc gà rán (Nhật Bản):
Giáng sinh không phải ngày lễ quốc gia ở Nhật, nhưng người dân có phiên bản tiệc Giáng sinh khá đặc biệt. Trong đó, họ ăn mừng dịp lễ này bằng gà rán của KFC. Ảnh: National Geographic.


Diễn viên hóa trang (Latvia):
Ở Lativa, các “mummer” (diễn viên không chuyên) sẽ hóa trang thành các động vật như sếu, dê, sói, gấu, ngựa hay các nhân vật kinh dị tượng trưng cho tử thần. Họ phải giấu danh tính, đeo mặt nạ và giả giọng khác để đảm bảo người trong khu họ sống không nhận ra. Các mummer sẽ đi từ nhà này sang nhà khác để xua đuổi những linh hồn xấu xa bằng âm nhạc và bài ca truyền thống. Các gia đình sẽ mời họ vào nhà ăn uống. Nếu bị nhận ra trong lúc hóa trang, mummer sẽ phải gỡ bỏ mặt nạ. Ảnh: Latviatravel.


Lễ hội đèn lồng khổng lồ (Philippines):
Vào thứ bảy trước đêm Giáng sinh, người dân vùng San Fernando (Philippines) sẽ tổ chức lễ hội Đèn lồng khổng lồ. Hình thành từ đầu thế kỷ 20, lễ hội ngày càng trở nên nổi tiếng. Ngày nay, nhiều làng tham dự và thi làm đèn. Những chiếc đèn có thể có đường kính lên tới 6 m, được làm từ tre, thép và giấy thủ công, trang trí bằng 5.000 bóng đèn được sắp xếp thành các họa tiết đặc biệt. Ảnh: Rappler.


Quê hương chính thức của ông già Noel ở đâu? Mỗi năm, nhất là mùa Giáng sinh, hơn nửa triệu du khách từ khắp mọi nơi háo hức tìm đến quê hương chính thức của ông già Noel để vui gửi thiệp, trượt tuyết, cưỡi xe kéo tuần lộc...

Theo An Ngọc/Zing/Culture Trip