Mở lối đưa nông sản vào siêu thị

Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 19/12/2018

(HNM) - Siêu thị luôn là kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân một cách ổn định. Tuy nhiên, để nông sản vào được siêu thị là việc không dễ do nhiều nguyên nhân, như thiếu thông tin sản phẩm, chất lượng một số mặt hàng chưa đồng đều... Vì vậy, để mở lối đưa nông sản của Hà Nội vào siêu thị đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều bên có liên quan.

Kiểm tra chất lượng nông sản tại siêu thị Big C.



Tỷ lệ tiêu thụ qua hệ thống siêu thị thấp

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 69% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Cụ thể, mặt hàng gạo mới đáp ứng khoảng 35% nhu cầu, thịt bò 15%, thủy sản 5%, thực phẩm chế biến 25%, trái cây 35%… Số lượng nông sản còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố và nước ngoài. Mặc dù cung chưa đáp ứng đủ cầu, nhưng việc tiêu thụ nông sản an toàn của Hà Nội gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tiêu thụ thông qua các kênh phân phối như siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch...

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kim An (xã Kim An, huyện Thanh Oai) Đỗ Hùng Cường chia sẻ, đưa nông sản vào siêu thị sẽ giúp nông dân ổn định đầu ra sản phẩm, tránh điệp khúc “được mùa, mất giá”, nhưng việc này đang gặp khó khăn. Năm 2017, xã Kim An thu hoạch được gần 1.000 tấn cam Canh, song chỉ hơn 20 tấn được siêu thị Fivimart ký hợp đồng thu mua, chiếm khoảng 2,5% tổng sản lượng. “Hiện, cam Canh của xã Kim An bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhưng đến thời điểm này, hợp tác xã vẫn chưa ký được hợp đồng nào với các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP Hà Nội” - ông Cường cho hay.

Sản phẩm rau an toàn của Hà Nội cũng rất khó “đặt chân” vào siêu thị. Theo bà Mai Minh Hương, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội), hiện chỉ 1,5% tổng sản lượng rau trên địa bàn thành phố được bán trực tiếp cho các siêu thị; tiêu thụ qua cửa hàng phân phối bán lẻ chiếm 1,5%; giao theo hợp đồng (nhà hàng, bếp ăn tập thể...) chiếm 1,8%; các thương lái thu gom chiếm 12,6%; người sản xuất tự bán tại các chợ chiếm 26,8%. Đáng nói, tỷ lệ tiêu thụ rau an toàn thông qua hợp đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp rất ít, chủ yếu là bán buôn tại các chợ đầu mối, chiếm 55,8%.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, không chỉ trái cây, rau an toàn, nhiều nông sản của Hà Nội chưa ký được hợp đồng tiêu thụ với hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Nguyên nhân là các siêu thị, doanh nghiệp, nhà phân phối thiếu thông tin về các mặt hàng nông sản, còn hợp tác xã, hộ sản xuất chưa liên kết được với các hệ thống phân phối này. Mặt khác, nông sản khó bảo quản, chất lượng một số mặt hàng chưa đồng đều, không đáp ứng được tiêu chuẩn sản phẩm nghiêm ngặt của các siêu thị hiện nay...

Tăng cường liên kết


Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, nông sản của Hà Nội chưa đưa được nhiều vào siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch là do chất lượng, mẫu mã sản phẩm còn hạn chế, đặc biệt là khâu bảo quản. “Các hợp tác xã muốn đưa sản phẩm vào siêu thị nói chung và Fivimart của Công ty cổ phần Nhất Nam nói riêng, phải tuân thủ những quy định về mặt pháp lý. Tức là phải có đầy đủ các loại giấy tờ chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP...” - bà Vũ Thị Hậu khẳng định.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, năm 2015, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban điều phối chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội. Ban điều phối với đầu mối là lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, cùng tổ công tác xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các chương trình phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với sự tham gia của lãnh đạo các sở, trung tâm phát triển nông nghiệp của 21 tỉnh, thành phố có nông sản tiêu thụ tại Hà Nội. Trong năm 2018, Sở NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối đã chủ động xây dựng, phát triển được 543 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có 198 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT; riêng Hà Nội duy trì và phát triển 121 chuỗi. Cùng với đó, Sở NN&PTNT tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, hướng dẫn nông dân thay đổi tập quán sản xuất, không sản xuất ồ ạt, thiếu định hướng...

Với mục đích kết nối, đưa nông sản vào hệ thống siêu thị, Sở Công Thương Hà Nội cũng đang hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm hiểu nhu cầu cung ứng và sản xuất để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm các tiêu chí đưa vào siêu thị. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã rà soát, cung cấp danh sách đơn vị, hợp tác xã sản xuất các sản phẩm thế mạnh của địa phương, thông tin tới doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm để kết nối, hợp tác. Đồng thời, cung cấp thông tin về doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi phân phối, chế biến, xuất khẩu… cho nông dân hợp tác sản xuất. Đồng thời, Sở Công Thương cũng đang triển khai nhiều chương trình cho các nhà sản xuất, nhà phân phối gặp gỡ, tìm hiểu, ký kết hợp đồng tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Hy vọng, với sự nỗ lực của các sở, ngành thành phố và bản thân người dân, các doanh nghiệp cũng cần mở rộng liên kết để đẩy mạnh việc đưa nông sản vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị.

Đỗ Minh