Chính trường Bỉ: Sóng gió lại nổi

Thế giới - Ngày đăng : 06:15, 20/12/2018

(HNM) - Chính trường nước Bỉ tiếp tục chứng kiến đợt sóng gió mới khi Thủ tướng Charles Michel bất ngờ tuyên bố từ chức.


Những dấu hiệu bất ổn trên chính trường Bỉ đã âm ỉ suốt 2 tuần qua khi các bộ trưởng về di cư, an ninh và quốc phòng thuộc đảng Liên minh tân Flander (N-VA) từ chức để phản đối quyết định của Chính phủ Bỉ gia nhập GCM.

N-VA là đảng phái lớn nhất tại vùng nói tiếng Hà Lan của Bỉ, vốn được biết đến là một đảng theo chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư. Việc một trong 4 đảng tham gia Chính phủ liên minh rút lại sự ủng hộ đã khiến Chính phủ của Thủ tướng C.Michel đánh mất thế đa số.

Quyết định từ chức của Thủ tướng Bỉ Charles Michel tạo nên đợt sóng gió mới trên chính trường nước này.


Quyết định “dứt áo ra đi” của nhà lãnh đạo quốc gia Tây Âu được đưa ra sau một phiên tranh luận căng thẳng tại Hạ viện hôm 18-12. Trong suốt phiên họp, Thủ tướng C.Michel nỗ lực kêu gọi các đảng phái đối lập ủng hộ Chính phủ trong một vài chủ đề then chốt về điều hành đất nước, song không nhận được sự đồng thuận.

Những đề xuất của nhà lãnh đạo này bị phe đối lập cho là quá mơ hồ, thậm chí những chính trị gia thuộc đảng Xã hội và đảng Xanh còn có ý định thực hiện một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Điều này buộc ông C.Michel phải tuyên bố từ chức sau khi nắm giữ cương vị Thủ tướng Bỉ từ tháng 10-2014.

Không chỉ trên chính trường, bất đồng về việc tham gia hay không tham gia GCM cũng gây ra những căng thẳng khó lòng xoa dịu ngay trong lòng xã hội Bỉ, vốn có sự chia rẽ trong lịch sử giữa những người nói tiếng Hà Lan ở phía Bắc và những người nói tiếng Pháp ở phía Nam. Cuối tuần qua, các nhóm cực hữu đã tổ chức một cuộc tuần hành tại thủ đô Brussels nhằm phản đối việc Bỉ gia nhập thỏa thuận này, buộc cảnh sát phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông.

Hoàng gia Bỉ cho biết, Nhà vua Philippe vẫn chưa đưa ra quyết định về đơn từ chức của Thủ tướng C.Michel. Giới quan sát cho rằng, Nhà vua có thể đề nghị ông C.Michel tiếp tục điều hành Chính phủ với quyền lực giới hạn, đặc biệt là trong các nỗ lực siết chặt ngân sách và cải cách an sinh xã hội, hoặc đối thoại với lãnh đạo các đảng phái chính trị để tìm ra biện pháp giải quyết khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, Nhà vua cũng có quyền giải tán Quốc hội để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn trong vòng 40 ngày.

Các chuyên gia nhận định, sóng gió trên chính trường Bỉ không chỉ thể hiện khủng hoảng trong giải quyết vấn đề nhập cư mà còn phản ánh những bất ổn chính trị rộng lớn ở châu Âu. Quốc gia láng giềng Pháp cũng đang phải vật lộn với làn sóng biểu tình “áo vàng” liên quan đến quyết định tăng thuế nhiên liệu của Tổng thống Emmanuel Macron, trong khi Chính phủ Anh rối bời vì chưa đạt được thỏa thuận cụ thể về tiến trình nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Bỉ cũng diễn ra vào thời điểm tương đối nhạy cảm do nhiều cuộc bầu cử quan trọng của châu lục sẽ được tiến hành vào năm 2019, trong đó có cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Bỉ là quốc gia châu Âu hiện đại có khoảng thời gian vô chính phủ lâu nhất, kéo dài 541 ngày (giai đoạn 2010-2011). Vào thời điểm đó, từ vị thế là một quốc gia giàu có trong khu vực, nước Bỉ phải đối diện với nguy cơ khủng hoảng nợ công, cản trở sự phát triển kinh tế, suy yếu lòng tin. Bởi vậy, các đảng phái chính trị của quốc gia này cần nhanh chóng thu hẹp bất đồng, củng cố các vị trí trong bộ máy Chính phủ - vốn giữ trọng trách chèo lái con thuyền quốc gia được xem là “thủ phủ” của EU.

Minh Hiếu