Vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:17, 20/12/2018
Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là cách tu dưỡng, gìn giữ đạo đức cách mạng đối với mỗi đảng viên. |
Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tính lý luận, tổng kết thực tiễn đặc sắc và có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đối với xây dựng Đảng cách mạng chân chính trong điều kiện Đảng cầm quyền. Tác phẩm đã làm rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của đạo đức cách mạng, điều kiện nền tảng với các đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Người nhấn mạnh, đạo đức cách mạng cần phải được rèn luyện, tu dưỡng không chỉ trong học tập ở trường lớp mà cả trong mọi hoạt động cách mạng. Điều này một lần nữa cho thấy sự thống nhất trong tư tưởng của Người về con đường, phương thức rèn luyện đạo đức cách mạng là gắn học và hành, lý luận gắn liền với thực tiễn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra khái niệm và phân tích các yếu tố nội hàm của “đạo đức cách mạng”. Theo Người, đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Ðảng, cho cách mạng. Từ khái niệm đó, Người phân tích nội dung cụ thể của đạo đức cách mạng là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, đoàn kết chặt chẽ với nông dân, trí thức và toàn dân tộc, ngoài lợi ích của giai cấp và dân tộc, Ðảng không có lợi ích nào khác. Ðạo đức cách mạng là phải thực hiện được các mục tiêu của Ðảng, phải hoàn thành một cách xuất sắc các nhiệm vụ được giao...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn ra một loạt tấm gương hy sinh chói lọi của những chiến sĩ cách mạng tiền bối, qua đó làm sáng rõ truyền thống vẻ vang của Đảng. Người viết: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”.
Theo Bác, có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước: “Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng”.
Một biểu hiện cao quý của đạo đức cách mạng mà Người nhấn mạnh trong tác phẩm là khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa.
Người có đạo đức là người thể hiện đúng các đức tính: Cần, kiệm, liêm, chính, trung thực, khiêm tốn, nêu cao trách nhiệm, lo cống hiến chứ không đòi hưởng thụ, có ý chí, nghị lực, bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nhất là vượt lên chính mình, chiến thắng chủ nghĩa cá nhân ngay trong bản thân mình.
Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật yêu cầu của đạo đức cách mạng là “suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, coi đây là điều chủ chốt nhất”. Đạo đức cách mạng là “tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”.
Người chỉ rõ, đạo đức cách mạng ấy chính là đạo đức của Đảng, thấm nhuần sâu sắc bản chất giai cấp công nhân và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Đạo đức cách mạng là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ giai cấp công nhân và người dân lao động. Cho nên, “tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phân tích về kẻ thù của cách mạng, trong đó kẻ thù giấu mặt và nguy hiểm nhất phá hoại đạo đức cách mạng chính là chủ nghĩa cá nhân. Người đã chỉ rõ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, như: Không chịu khó học tập lý luận và ngại khó, ngại khổ trong rèn luyện thực tiễn, sa vào chủ nghĩa cá nhân với mọi biểu hiện, dưới mọi hình thức; nghiêm khắc phê phán thực trạng đó, nghiêm túc đòi hỏi mỗi người phải tự phê bình và sửa chữa, mỗi tổ chức Đảng phải chú trọng giáo dục, huấn luyện và kiểm tra, giúp các đồng chí của mình tiến bộ.
Phần cuối tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích về con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến lên chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định: Muốn chủ nghĩa xã hội thành công thì phải chống được chủ nghĩa cá nhân và phải thực hiện cho được đạo đức cách mạng.
Người chỉ rõ: Không ai có thể thỏa mãn rằng mình đã có, đã đủ đạo đức cách mạng, bởi vì: “Cách mạng tiến lên mãi, Ðảng tiến lên mãi. Cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi”. Người cách mạng muốn tiến lên phải không ngừng tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, đồng thời phải gắn bó với phong trào, nghĩa là phải luôn sát thực tế và phải luôn trau dồi lý luận Mác - Lênin…
Kết luận tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ðạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Tác phẩm “Ðạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời tròn 60 năm, nhưng giá trị tư tưởng thì còn mãi, vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đó thực sự là những vấn đề có tính nguyên tắc để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng, để chống chủ nghĩa cá nhân, hướng tới xây dựng một Ðảng vững mạnh, là đạo đức, là văn minh.
Trong tình hình hiện nay, học tập tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Người phải hết sức coi trọng đạo đức cách mạng, tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân đang len lỏi trong mỗi cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Đó chính là hành động thiết thực để biến mong muốn của Bác Hồ kính yêu trở thành hiện thực.