Làng nghề Hà Nội: Đẩy mạnh liên kết, nâng cao giá

Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 21/12/2018

(HNM) - Bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi các làng nghề, doanh nghiệp làng nghề liên kết chặt chẽ để phát triển toàn diện.

Làng nghề sơn son thếp vàng, tạc tượng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đang tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động. Ảnh: Hữu Tiệp


Còn nhiều khó khăn

Làng nghề sơn son thếp vàng, tạc tượng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đã nổi tiếng trong cả nước. Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng Nguyễn Viết Thạnh, hiện làng nghề đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 4.000 lao động, giá trị mang lại chiếm khoảng 60% cơ cấu kinh tế của xã, đóng góp quan trọng vào hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Không riêng Sơn Đồng, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng, với số lượng làng nghề lớn, trung bình mỗi năm, sản xuất ở khu vực này mang lại giá trị ước đạt trên 20 nghìn tỷ đồng. Một số làng nghề thủ công mỹ nghệ có doanh thu cao như: Làng nghề sơn son thếp vàng, tạc tượng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề mộc Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) đạt gần 1.000 tỷ đồng; làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) đạt gần 2.000 tỷ đồng… Để có những thành quả này, các làng nghề Hà Nội đã thực hiện kết nối với nhau, cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đồng thời liên kết với làng nghề thủ công mỹ nghệ các tỉnh, thành phố khác để gia công, nâng cao giá trị sản phẩm...

Tuy vậy, làng nghề Hà Nội vẫn còn những hạn chế, kìm hãm sự phát triển, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Đàm Tiến Thắng nhìn nhận, hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đang rất yếu về khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm; mỹ thuật bao bì còn đơn điệu; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của làng nghề còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao và khó khăn trong xử lý ô nhiễm môi trường...

Đơn cử, Chủ tịch Tập đoàn thủ công mỹ nghệ 1102 Nguyễn Trung Thành (xã Bát Tràng, Gia Lâm) chỉ ra rằng, đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng nghề còn manh mún nên chưa có nghiên cứu đồng bộ về thị trường, thị hiếu tiêu dùng. Trong khi đó, xu hướng thị trường thay đổi rất nhanh, đặc biệt về mẫu mã.

Còn nghệ nhân Phan Thị Thuận ở làng nghề dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Đức), đã dệt thành công sản phẩm lụa từ tơ sen cho biết, lụa sen không chỉ mềm, mịn, mát, nhẹ như lụa tơ tằm mà còn có ưu điểm xốp, thấm nước, có mùi thơm dịu nhẹ tự nhiên, dùng làm khăn quàng, quần áo thời trang... “Với giá thành cao, lụa sen mở ra triển vọng cho nghề dệt ở Phùng Xá và nghề trồng sen. Tuy vậy, tôi đang gặp khó khăn trong quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm và phát triển ngành sản xuất sợi từ tơ sen, tiến tới xây dựng thương hiệu lụa tơ sen Mỹ Đức”, nghệ nhân Phan Thị Thuận trăn trở.

Gắn kết doanh nghiệp với làng nghề

Mới đây, tại Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô”, nhiều ý kiến cho rằng, để củng cố và phát triển làng nghề trong bối cảnh hiện nay, cần tăng cường sự kết nối giữa các làng nghề, đặc biệt là doanh nghiệp với làng nghề. Theo Chủ tịch Tập đoàn Thủ công mỹ nghệ 1102 Nguyễn Trung Thành, làng nghề Bát Tràng cần xây dựng bộ phận thiết kế mẫu chuyên nghiệp, đủ khả năng nắm bắt xu thế thị trường và có dự báo về xu thế để các hộ, doanh nghiệp sản xuất chủ động trong sản xuất. Cùng với đó, chú trọng tìm hiểu thị trường, nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng, quảng bá sản phẩm và ứng dụng công nghệ để chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc... nhằm bảo vệ thương hiệu làng nghề.

Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần nhấn mạnh, không thể để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tự tìm đến nhau như hiện nay mà cần có sự tổ chức, hướng dẫn kết nối, đặc biệt là những vấn đề vĩ mô như quy hoạch vùng nguyên liệu, khai thác và chế biến nguyên liệu. Bên cạnh đó là các vấn đề cụ thể, như doanh nghiệp sản xuất cơ kim khí liên kết với làng nghề để cung ứng máy cầm tay, thiết bị kỹ thuật dùng trong sản xuất, cải tiến kỹ thuật...

Ở khía cạnh phát triển du lịch làng nghề, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải nêu quan điểm: Các làng nghề truyền thống vốn rất đặc sắc. Để khai thác tiềm năng du lịch, rất cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với làng nghề. Doanh nghiệp chính là đơn vị nắm được nhu cầu, nắm được sở thích, thói quen mua sắm của khách hàng. Đặc biệt, doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào chính là nhà đầu tư tốt nhất, tiềm năng nhất để cải tạo, phát triển làng nghề theo hướng gắn với du lịch...

Hà Nội đang triển khai mạnh mẽ xây dựng nông thôn mới và phong trào “Mỗi xã một sản phẩm”. Các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề đã và đang được tiếp cận với những cơ chế hỗ trợ của thành phố. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển hơn nữa, không thể thiếu sự chung tay hành động tích cực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Nguyễn Mai