Tiêu thụ nông sản bằng thương mại điện tử
Kinh tế - Ngày đăng : 07:15, 21/12/2018
Với người tiêu dùng Thủ đô, người sản xuất, doanh nghiệp phân phối thì việc có trang điện tử thương mại
mua - bán nông sản an toàn đã đem lại cơ hội trải nghiệm mới. Chủ tịch UBND xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai) Nguyễn Huy Oánh chia sẻ: Thanh Văn có sản phẩm đặc sản nổi tiếng là gạo Bồ Nâu. Đây là một trong những nhãn hiệu gạo đầu tiên của Thủ đô được công nhận, có tem nhãn, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Dù chất lượng gạo được người tiêu dùng đánh giá cao song lâu nay, gạo Bồ Nâu đến với người tiêu dùng thông qua thương lái. Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Văn chưa bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng.
Về phía người tiêu dùng, chị Bùi Hải Lan ở phường Tô Hiệu (quận Hà Đông) cho biết, thường mua gạo Bồ Nâu tại một đại lý gạo trong khu phố gần gia đình. Được chủ đại lý giới thiệu về giống gạo chất lượng cao của Hà Nội, gia đình mua về ăn thử và thấy rất ngon.
Không riêng chị Lan, rất nhiều người tiêu dùng Thủ đô hiện nay hướng đến lựa chọn sản phẩm có nhãn mác tại các chuỗi cửa hàng nông sản sạch hoặc siêu thị. Song, rất ít người tiêu dùng biết chính xác nguồn gốc sản phẩm mà chỉ chọn lựa bằng niềm tin, qua tem nhãn. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường, chợ thương mại điện tử tiêu thụ nông sản an toàn là kênh thông tin, kênh bán hàng, đồng thời là nơi quảng bá sản phẩm nông sản an toàn của Hà Nội và các tỉnh lân cận. Với hoạt động của chợ thương mại điện tử, người tiêu dùng có cơ hội được sử dụng các sản phẩm an toàn thông qua hình thức mua hàng trực tuyến... Về phía các doanh nghiệp, nhà sản xuất, sẽ được tư vấn giải pháp, hướng dẫn quản lý công cụ nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến phân phối, tiêu thụ.
Cùng với những lợi ích trên, chợ thương mại điện tử sẽ là bước khởi đầu hướng đến kênh tiêu thụ hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp 4.0 trong tương lai. Chị Đặng Thị Thúy Hằng, chủ cửa hàng cung ứng nông sản an toàn Moomoo Farmily (101 Nguyễn Thị Định, quận Thanh Xuân) cho rằng, việc ra đời chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn sản xuất theo chuỗi giá trị là kênh thông tin hữu ích đối với các nhà phân phối. Đây là hướng đi của nhiều nước có nền kinh tế nông nghiệp phát triển.
Tại Kế hoạch số 221/KH-UBND, UBND thành phố đặt mục tiêu năm 2019, triển khai mỗi quận từ 3 đến 5 điểm giới thiệu chợ thương mại điện tử; năm 2020, mở rộng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Ngoài ra thành phố bảo đảm 100% sản phẩm sản xuất theo chuỗi trên địa bàn thành phố được giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ thực hiện các nội dung thanh toán điện tử trên chợ thương mại điện tử; phấn đấu đến cuối năm 2019, tối thiểu đạt 10.000 lượt đăng ký thành viên; đến cuối năm 2020 có 30.000 lượt đăng ký thành viên...
Dự kiến, chợ thương mại điện tử sẽ có tên gọi “Chợ nhà mình” (www.chonhaminh.gov.vn - tiếng Việt; www.myhomemarket.gov.vn - tiếng Anh); Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp (Sở NN& PTNT Hà Nội) sẽ là đơn vị triển khai thực hiện.