“Khoảng lặng” của ba tâm hồn nghệ sĩ
Văn hóa - Ngày đăng : 19:57, 23/12/2018
Tác phẩm "Kỷ niệm xưa" của Hoàng Phượng Vỹ. |
Ba họa sĩ mỗi người một con đường riêng. Nếu Phạm Luận dành cả đời chuyên tâm sáng tác tranh phong cảnh theo phong cách ấn tượng, đặc biệt là về Hà Nội, thì Vi Kiến Thành lại xuất hiện nhiều với tư cách quản lý nghệ thuật, hiện là Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), còn Hoàng Phượng Vỹ có lúc làm thơ, có lúc vẽ minh họa sau rồi mới chuyển sang hội họa.
Cả ba họa sĩ đều là gương mặt nổi bật của hội họa đương đại Việt Nam. Dù chưa lần nào triển lãm chung, đến họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam còn nhận định: “Thật lạ khi ba ông Tam Đa đương đại lại tam tấu với nhau trong khoảng lặng của tâm hồn”, nhưng triển lãm lần này của họ như một cuộc tái ngộ. Đó là cuộc tái ngộ của những người luôn biết đặt mình vào những khoảng lặng để suy ngẫm, chiêm nghiệm, gửi gắm vào hội họa, đem lại vẻ đẹp cho đời.
Tác phẩm "Cầu Thê Húc" của họa sĩ Vi Kiến Thành. |
Họa sĩ Phạm Luận vẫn còn lưu luyến phố nhưng ông lại đưa người xem bước vào một không gian mới. Đó là Hà Nội vào đêm với con trăng xanh lạ mắt, với các cô bé, cậu bé dạo chơi bên Hồ Gươm… Tác giả cũng mở rộng đến những thôn bản miền núi hay làng quê ven biển bằng những sắc màu tương phản ấn tượng.
Khá nhiều sáng tác với lụa, sơn dầu nhưng lần này họa sĩ Vi Kiến Thành lại chọn trưng bày loạt tranh sơn mài. Những tác phẩm cho thấy sự theo đuổi nghệ thuật của nghiêm cẩn của ông dù công việc khác bộn bề. Có bức tranh về Hà Nội, có bức về miền núi hay hoa cỏ, vật nuôi bình thường, nhưng chúng đều toát lên vẻ sang trọng, phiêu lãng, cuốn hút.
Tác phẩm "Ngày thường" của họa sỹ Phạm Luận. |
Còn họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ tiếp tục đem đến những tác phẩm có màu sắc tươi sáng, kết hợp nhuần nhị giữa yếu tố dân gian và hiện đại bằng nét vẽ mà giới nghề gọi là trường phái ngây thơ (naive art). Ở đó, người xem luôn được phiêu bồng trong thế giới đơn giản, hồn nhiên mà đượm triết lý cuộc đời.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn đánh giá: “Triển lãm dù chỉ là món quà bình dị, thảnh thơi của ba họa sĩ khi ngày cũ, năm cũ chưa qua, nhưng những con mắt mới, con mắt khác khai mở trong mỗi bức họa đã lẳng lặng gọi giấc mơ xa xanh cho những thập niên đầu thế kỷ nhiều ước vọng của người Việt đương đại”.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 30-12.