Taekwondo Việt Nam quyết giành suất tham dự Olympic
Thể thao - Ngày đăng : 06:40, 24/12/2018
Không dễ tích điểm
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ nhiệm bộ môn Taekwondo Hà Nội Hồ Anh Tuấn chia sẻ: "So với mặt bằng chung, các võ sĩ của Việt Nam đang ở khoảng cách khá xa so với các võ sĩ quốc tế nếu xét điểm số để giành suất tham dự Olympic Tokyo 2020. Muốn giành suất tham dự Thế vận hội, trong năm 2019, tháng nào chúng ta cũng phải đưa quân đi thi đấu tích điểm, các võ sĩ phải đạt thứ hạng cao, giành được huy chương mới nuôi hy vọng dự đấu trường thể thao lớn nhất thế giới".
Taekwondo Việt Nam lên kế hoạch tập huấn chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020. |
Trong bối cảnh khó khăn đó có một hướng mở, bởi như chia sẻ của Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam Trương Ngọc Để, việc đưa nội dung quyền vào thi đấu Olympic đang được Ủy ban Olympic quốc tế cân nhắc. Trong bối cảnh taekwondo Việt Nam có những gương mặt giành Huy chương Giải vô địch Quyền taekwondo thế giới, chúng ta cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ để sẵn sàng đón đầu cơ hội nếu Ủy ban Olympic quốc tế thông qua việc này.
Ông Trương Ngọc Để nhấn mạnh: "Liên đoàn cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm tuyển chọn rộng rãi lực lượng, cả đối kháng và quyền, đầu tư "gà nòi" chuẩn bị Olympic Tokyo 2020".
Để thực hiện mục tiêu này, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tập huấn và thi đấu năm 2019 khá chi tiết. Cụ thể, đội tuyển đối kháng quốc gia gồm 1 chuyên gia, 1 huấn luyện viên, 15 vận động viên sẽ tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội từ ngày 1-1 đến 31-12-2019; đội tuyển quyền quốc gia gồm 1 huấn luyện viên, 10 vận động viên tập huấn tại Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh từ ngày 5-2 đến 31-12. Về kế hoạch tập huấn nước ngoài, trong năm 2019, đội tuyển đối kháng dự kiến tập huấn 3 tháng tại Hàn Quốc (tháng 3, tháng 7 và tháng 10), đội tuyển quyền tập huấn tháng 11, cũng tại Hàn Quốc.
Trong năm 2019, taekwondo Việt Nam dự kiến tham dự hơn 10 giải đấu quốc tế, lần lượt tại UAE (từ ngày 20 đến 25-2), Philippines (tháng 4 và tháng 11), Anh (từ ngày 10 đến 15-5), Italia (tháng 5 và tháng 7), Kazakhstan (tháng 6), Mexico (tháng 8), Bờ Biển Ngà (tháng 9), Nga (tháng 12)...
Tuy nhiên, kế hoạch nêu trên phụ thuộc rất nhiều vào nguồn kinh phí. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, taekwondo Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tích điểm tham dự Olympic do không giải quyết được khó khăn này.
Quan trọng là điều chỉnh cách làm
Taekwondo Việt Nam từng có tấm Huy chương bạc Olympic Sydney năm 2000 của võ sĩ Trần Hiếu Ngân. Hoài Thu, Văn Hùng... cũng nhiều lần giành suất tham dự Olympic và giành được những trận thắng đáng kể. Nhưng đến Olympic Rio năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử từ khi môn võ này được đưa vào thế vận hội, Việt Nam không có đại diện nào giành suất tham dự. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, từ chuyện trang bị giáp điện tử thiếu đồng bộ, cho đến khâu tuyển chọn - nhằm tìm ra những gương mặt giỏi nhất và chế độ đãi ngộ để vận động viên yên tâm theo nghiệp.
Bàn về giải pháp phát triển taekwondo cần thực hiện ngay trong năm 2019, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam Đào Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội chia sẻ: "Chúng ta cần có các giải pháp về cả phong trào và đỉnh cao. Về phong trào, rất cần mời chuyên gia giỏi tập huấn cho các huấn luyện viên, cập nhật những thông tin mới nhất về chuyên môn, luật quốc tế. Bên cạnh đó, Liên đoàn nên kết hợp các địa phương tổ chức các tour biểu diễn taekwondo cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm quảng bá, thu hút người hâm mộ quan tâm, giúp các địa phương dễ phát triển môn này hơn... Về đỉnh cao, chúng ta cần sớm xây dựng tiêu chí, cách thức tuyển chọn vận động viên vào đội tuyển quốc gia, xác định rõ thời điểm tổ chức tuyển chọn để địa phương xây dựng kế hoạch và có nguồn kinh phí chủ động thực hiện".
Về kinh phí thực hiện kế hoạch thi đấu, Trưởng bộ môn Taekwondo, Tổng cục Thể dục thể thao Vũ Xuân Thành cho biết: "Kinh phí dành cho môn này của trung ương chỉ bằng 1/3 so với Hà Nội, hoặc TP Hồ Chí Minh". Hóa giải điều này, ông Đào Quốc Thắng nhấn mạnh: "Tổng cục Thể dục thể thao và Liên đoàn cần phối hợp chặt chẽ, sớm thống nhất kế hoạch sử dụng, tận dụng nguồn nhân lực cũng như nguồn kinh phí địa phương trong việc cử vận động viên tập huấn và thi đấu quốc tế. Nếu kết hợp được cả nguồn kinh phí trung ương và địa phương, nỗ lực vận động tài trợ, thu hút nguồn vốn xã hội hóa, khó khăn này sẽ được giải quyết. Quan trọng nhất vẫn là cách làm, thời điểm thực hiện và quyết tâm của người làm nghề".
Taekwondo Việt Nam đã lỡ một kỳ tham dự Olympic (năm 2016) và rất có thể sẽ lỡ một kỳ tiếp theo (2020) nếu không nỗ lực thay đổi cách làm và giữ chân người giỏi. Huấn luyện viên Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: "Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII-2018, tôi trở lại thi đấu với vai trò vận động viên như một cách để khẳng định: Tuổi nghề của võ sĩ taekwondo có thể rất dài nếu bạn phát huy tốt kinh nghiệm. Thực tế hiện nay cho thấy các võ sĩ giỏi chưa coi taekwondo là nghề, thường sớm giã từ sự nghiệp thể thao để lo mưu sinh".
Suy cho cùng, nếu Liên đoàn, bộ môn đổi mới, chủ động hơn trong cách làm, đồng thời, quan tâm đến chế độ đãi ngộ cho vận động viên yên tâm theo nghề, chúng ta không thiếu người giỏi để chinh phục đấu trường Olympic.