Năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:32, 25/12/2018

Sáng 25-12, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết đã hoàn thành tốt các mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2018. Đây là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%.

Hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2018

Năm 2018, lợi nhuận của VNPT đạt 6.445 tỷ đồng, vượt 9,4% kế hoạch và tăng 25% so thực hiện năm 2017. Đây là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. Mức tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua của VNPT là 24,7%.

Tổng số thuê bao điện thoại của Tập đoàn năm 2018 đạt khoảng 34 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động đạt 31,3 triệu thuê bao. Tổng số thuê bao Internet băng rộng phát sinh cước của Tập đoàn đạt 5,2 triệu thuê bao, tăng 11,1%, trong đó thuê bao FiberVNN đạt 5 triệu thuê bao, tăng 27%.

Tổng nộp ngân sách Nhà nước đạt 4.476 tỷ đồng, tăng 18%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 10,2%, tăng 23%. Nếu loại trừ ảnh hưởng của dịch vụ Vinasat, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 12,2%, tăng 22,3%.


Quy mô mạng lưới, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) được mở rộng và duy trì an toàn. Việc bảo đảm và nâng cao chất lượng mạng lưới của VNPT được thực hiện có trọng điểm, tổ chức thực hiện các chương trình riêng với từng địa bàn. Kết quả đo kiểm so sánh chất lượng 3 nhà mạng di động cho thấy mạng Vinaphone đứng thứ nhất với 4/9 chỉ tiêu KPI quan trọng tại phần lớn các tỉnh, thành phố.

Hiện tại, các chỉ tiêu chất lượng mạng và dịch vụ đều duy trì ở mức cao hơn so với quy định của Bộ TT-TT và của chính tập đoàn. Năm 2018, VNPT đã mở rộng mạng lưới Internet đến Hồng Kông (Trung Quốc) thông qua mở POP IP, giúp tối ưu, mở rộng thuê kênh quốc tế trực tiếp đến các vùng lãnh thổ để giảm độ trễ nâng cao chất lượng dịch vụ; hoàn thành đàm phán IoT với 159 nhà mạng tại 89 quốc gia trên tổng 454 mạng di động đã khai thác dịch vụ chuyển vùng quốc tế.

Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt


2018 là năm VNPT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu tổ chức hoạt động theo Quyết định số 2129-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai công tác cổ phần hóa Công ty mẹ. Cơ cấu tổ chức của VNPT tiếp tục được cải tổ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tập trung tối ưu nguồn lực.

Cụ thể, trong năm 2018 VNPT đã hoàn thành việc tái cấu trúc khối CNTT, thành lập Công ty VNPT-IT. Đây là trụ cột của VNPT về sản xuất phần mềm và các ứng dụng CNTT, tạo sức mạnh cho VNPT bứt phá mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số trong những năm tiếp theo.

Thực hiện nghiêm túc theo đúng quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, VNPT đã và đang tiếp tục triển khai thoái vốn tại 41 đơn vị cổ phần. Trong năm, VNPT đã bán/thoái vốn/thu hồi vốn được 4 danh mục, với tổng vốn thu được 767,36 tỷ đồng/520,85 tỷ đồng vốn đầu tư. Trong đó thành công nhất là việc thoái vốn Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện với số vốn 500 tỷ đồng, thoái vốn được 710 tỷ, tăng 42% so với giá trị công ty.

Hoạt động cổ phần hóa cũng được thực hiện nghiêm túc, theo đúng yêu cầu của Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt. Tại buổi lễ bàn giao chính thức quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại VNPT về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp diễn ra hồi tháng 11 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đánh giá cao sự tích cực của VNPT trong việc thực hiện công tác chuẩn bị cho hoạt động cổ phần hóa, đặc biệt là công tác kiểm kê tài sản, định giá đất đai, thuê tư vấn định giá doanh nghiệp.

Tăng cường số hóa trong các hoạt động bán hàng


Với mục tiêu “Lấy khách hàng làm trung tâm” VNPT đã triển khai bộ chỉ tiêu trải nghiệm khách hàng nhất quán trên tất cả các điểm tiếp xúc của khách hàng. Các hoạt động chăm sóc khách hàng trên mạng xã hội qua hệ thống chương trình phần mềm chăm sóc khách hàng được triển khai và truyền thông tới khách hàng bằng các hình thức hỗ trợ, giải quyết khiếu nại online qua SMS, IVR, fanpage, App My VNPT.

Bên cạnh đó, VNPT cũng đã tăng cường số hóa trong các hoạt động bán hàng (kênh online), kênh bán hàng Online Freedoo đi vào hoạt động ổn định. Các trang self-care tập trung My VNPT phục vụ hữu hiệu cho công tác tìm kiếm thông tin và mua hàng của khách hàng. Các thủ tục đăng ký được online góp phần đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng.


Trong năm 2018, VNPT đã đưa vào cung cấp 60 dịch vụ giá trị gia tăng mới, trong đó có một số dịch vụ mang lại doanh thu mới như Big Data telecom, 7 dịch vụ CNTT mới: Tổng đài VNPT Cloud Contact Center; Nông nghiệp thông minh; Dịch vụ an toàn bảo mật F-secure cho doanh nghiệp...

Năm 2018 cũng đánh dấu thành công trong lĩnh vực Công nghiệp-CNTT của VNPT với việc sản xuất trên 1,4 triệu sản phẩm GPON ONT phục vụ nhu cầu phát triển thuê bao internet cáp quang, trên 173.000 sản phẩm thiết bị chuyển đổi Smartbox; cung ứng trên 150.000 sản phẩm đầu thu truyền hình kỹ thuật số DVB-T2 phục vụ lộ trình tắt sóng truyền hình analog của Bộ TT&TT; 40.000 sản phẩm Smartbox PC và đầu thu DVB-T2 bán ra thị trường bên ngoài.

Công ty VNPT-Technology đã hợp tác với các hãng công nghệ nguồn hàng đầu thế giới để nghiên cứu, phát triển và giới thiệu ra thị trường thế hệ tiếp theo về ONT và Wifi Access Point; Sản phẩm 4G LTE như LTE Router, LTE Mifi, LTE Small Cell; Các sản phẩm IoT như Giải pháp Smart Home, giải pháp Smart Factory.

Công ty Postef đã đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất sợi quang công nghệ cao với tổng sản lượng đạt 3.200.000 km/năm. Tổng giá trị sản phẩm công nghiệp nội địa, dịch vụ của VNPT sử dụng trên mạng, không phải nhập khẩu đạt 8.478 tỷ đồng.

Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT

Trong lĩnh vực CNTT, đến thời điểm hiện tại, VNPT đã xây dựng và làm chủ nhiều sản phẩm, dịch vụ cốt lõi ở nhóm khách hàng Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, duy trì thị phần dịch vụ trên toàn quốc trong lĩnh vực Giáo dục, Y tế, Chính phủ điện tử.

Đến tháng 12-2018, bộ sản phẩm Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 51 tỉnh, thành phố. VNPT đã phát triển thành công giải pháp Trục liên thông văn bản quốc gia, sử dụng công nghệ X-Road. Phần mềm VNPT-iOffice tăng thêm 74% số cơ quan cấp tỉnh, 67% cơ quan cấp huyện và 20% cơ quan cấp xã sử dụng; phần mềm i-Gate tăng têm 68% cơ quan cấp tỉnh, 43% cơ quan cấp huyện, 87 % cơ quan cấp xã sử dụng.

Giải pháp phần mềm quản lý bệnh viện VNPT-HIS hiện có 7.300 cơ sở y tế sử dụng, chiếm 53% thị phần. Giải pháp đang ngày càng được tích hợp, tối ưu hóa, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh viện cũng như đáp ứng việc phục vụ bệnh nhân ngày một tốt hơn, tạo thành một hệ sinh thái Y tế điện tử tin cậy, hiện đại.

Ở lĩnh vực Giáo dục thông minh, giải pháp VnEdu đã có 12.000 trường học sử dụng, cung cấp 3,3 triệu sổ liên lạc điện tử với gần 6 triệu hồ sơ học sinh cùng hơn 650.000 giáo viên sử dụng trên khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dịch vụ hóa đơn điện tử VNPT hiện có 6500 khách hàng sử dụng với tổng số 740 nghìn hóa đơn. 20 tỉnh, thành phố đã tham gia khảo sát, xây dựng đề án đô thị thông minh. Giải pháp Du lịch thông minh đã triển khai gần 30 tỉnh, thành phố.

Giải pháp IoT Nông nghiệp thông minh do Công ty VNPT Technology tự nghiên cứu và phát triển trên nền tảng IoT Smart Connected Platform. Hiện nay, giải pháp Nông nghiệp thông minh nói riêng và các giải pháp IoT khác của VNPT Technology nói chung đã được áp dụng triển khai thực tế ở nhiều nơi trên cả nước, điển hình như trang trại Delco Bắc Ninh, đô thị thông minh Phú Quốc…

Với việc quy hoạch phát triển dịch vụ số bài bản, VNPT đã tham gia tích cực, có trách nhiệm, hiệu quả và thể hiện được vai trò dẫn dắt trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh của chính phủ.

Khởi động chiến lược VNPT4.0, từng bước thực hiện chuyển đổi số

Năm 2018 cũng là năm đầu tiên VNPT triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Chiến lược VNPT4.0). Đến thời điểm này có thể nói VNPT đã khởi động tương đối thành công chiến lược này.

Theo chiến lược VNPT4.0, VNPT sẽ chuyển đổi dần từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.

Để đạt được mục tiêu đó, ngay từ giai đoạn tái cơ cấu đầu tiên VNPT đã định hướng đẩy mạnh phát triển mảng dịch vụ số. VNPT đã định hướng xây dựng các giải pháp, dịch vụ số theo mô hình hệ sinh thái dựa trên các nền tảng dịch vụ số mà VNPT đang xây dựng như nền tảng media và dịch vụ truyền hình, nền tảng Chính phủ điện tử, nền tảng tích hợp Đô thị thông minh, nền tảng IoT…

Hệ sinh thái giải pháp của VNPT đang ngày càng phong phú và hoàn thiện với các giải pháp ở nhiều lĩnh vực như xây dựng chính phủ điện tử, y tế, nông nghiệp, giáo dục, các giải pháp xây dựng đô thị thông minh khác…

Trước làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, VNPT đã sớm bắt tay vào nghiên cứu các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng này. VNPT đã tự thiết lập, hợp tác với các công ty công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng các Lab nghiên cứu về AI, Blockchain, IoT, Cyber Security, điện toán đám mây.

Hiện VNPT đã làm chủ được công nghệ và đang tập trung phát triển các ứng dụng, giải pháp cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam cũng như đưa các công nghệ đó vào các giải pháp sẵn có của mình để đáp ứng một cách thông minh nhât nhu cầu của khách hàng.

Đối với hạ tầng ICT, VNPT đang đẩy mạnh cập nhật công nghệ, nâng cao năng lực mạng lưới và tiến tới ảo hóa hạ tầng. Trong đó, việc ảo hóa hạ tầng, cả hạ tầng kết nối và hạ tầng IDC chính là cơ sở để VNPT không chỉ tối ưu hóa doanh thu, chi phí mà còn tạo ra sự linh hoạt trong mô hình kinh doanh và cung cấp dịch vụ. Đây cũng là nền tảng để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho hơn 31 triệu thuê bao di động; gần 3 triệu thuê bao cố định, hơn 5 triệu thuê bao internet băng rộng và các dịch vụ IT cho các cơ quan nhà nước. Trong năm qua, tất cả các chỉ số về chất lượng mạng của VinaPhone đều vượt so với quy chuẩn do Bộ TT-TT ban hành.

Có thể nói, năm 2018 VNPT đã chuyển mình mạnh mẽ, tạo đà thuận lợi cho một giai đoạn phát triển mới trong các năm tiếp theo. Những kết quả đã đạt được sẽ tạo tiền đề vững chắc để VNPT hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019 cũng như các mục tiêu phát triển trong Chiến lược VNPT4.0. 

Anh Phương