Những "chiến binh" trên sàn đấu robot

Công nghệ - Ngày đăng : 06:16, 26/12/2018

(HNM) - Hàng trăm sinh viên, kỹ sư ở TP Hồ Chí Minh đã tạo ra những chú robot để “chiến đấu” trên võ đài. Phía sau hậu trường, việc chế tạo và huấn luyện robot là công sức của cả một tập thể.

Nhóm sinh viên chế tạo robot Apolo.


Sàn đấu nảy lửa

Có dịp đến Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức) để xem giải đấu "Robot đại chiến", chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi cách bố trí ở đây như võ đài thi đấu. Xung quanh sàn đấu có hàng trăm ghế ngồi cho các cổ động viên cùng trọng tài và các bình luận viên. Không khí sàn đấu náo nhiệt khi trọng tài thổi còi ra hiệu cuộc đấu giữa hai robot Duy Khanh Plus với BK - Prime chính thức bắt đầu. Hai "chiến binh" lao vào quần thảo, trường đấu với hàng trăm cổ động viên như vỡ òa bởi tiếng vỗ tay phấn khích mỗi khi robot có động tác giương vũ khí tấn công, húc tung đối phương.

Khác hẳn với “chiến sự” nảy lửa trên sàn đấu với 2 chú robot ngang tài ngang sức, bên ngoài hậu trường, hàng chục sinh viên đang lo lắng, chăm sóc kỹ các chú robot để chờ tới lượt đấu của mình. Nguyễn Văn Tài, sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng hồi hộp cho biết, nhóm của Tài gồm 12 sinh viên tham gia chế tạo robot AD-LH. Ở vòng đấu loại trước, robot này đã chiến thắng nhiều đối thủ. Mặc dù sinh viên của trường đã có nhiều kinh nghiệm dự thi robocon, từng vô địch Giải robocon châu Á - Thái Bình Dương, nhưng trước hiệp đấu diễn ra 2 giờ, robot AD-LH bỗng "ngất lịm" vì mất kết nối. Bởi vậy, các sinh viên phải khẩn trương "cấp cứu" để robot "hồi tỉnh".

"Trước đó một tuần, robot của đội em đã có nhiều trận quyết chiến sinh tử với đội bạn. Nhờ có chiến thuật tốt, robot AD-LH đã làm cho đối phương mất sóng điều khiển và đã chiến thắng ở vòng loại. Tuy nhiên, đây là chiến thắng không mấy dễ dàng, robot đội nhà chịu tổn hại nặng nề, phải làm lại toàn bộ bo mạch", Nguyễn Văn Tài giải thích.

Theo Nguyễn Văn Tài, đam mê chế tạo robot chiến đấu rất tốn thời gian, chất xám và tiền bạc. Bởi sau mỗi trận đấu, khi robot chiến thắng và được đi tiếp vào vòng trong thì cũng phải trang bị lại, thay đổi chiến thuật. Tài chia sẻ: "Ban Tổ chức cho thời gian nghỉ một tuần để các đội khắc phục hạn chế của robot trước khi bước vào trận mới. Vì thế, chúng em phải họp nhóm, bàn bạc chiến thuật, gia cố lại điểm yếu của robot, rồi tập trung phân tích điểm mạnh, điểm yếu của robot đối phương để có chiến thuật phù hợp...".

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP Hồ Chí Minh (đơn vị tổ chức cuộc thi) cho biết: “Giải đấu "Robot đại chiến" được tổ chức nhằm phô diễn sức mạnh, kỹ thuật và công nghệ cơ khí - điện - điều khiển và tự động hóa. Đây là sân chơi bổ ích cho sinh viên, kỹ sư thể hiện sự sáng tạo và nghiên cứu, chế tạo robot, hướng đến nâng cao nền sản xuất robot mang thương hiệu Việt Nam. Chúng tôi mong muốn tạo ra một giải đấu chuyên nghiệp mang đẳng cấp quốc tế, giúp sinh viên và các kỹ sư chế tạo robot tại Việt Nam được cọ xát thi đấu, rèn luyện trước khi có cơ hội đi thi quốc tế”.

Khát khao chinh phục

Được mua bản quyền từ chương trình truyền hình về robot chiến đấu nổi tiếng của Mỹ, giải đấu "Robot đại chiến" đã thu hút đông đảo sinh viên, kỹ sư các công ty cơ khí ở TP Hồ Chí Minh và vùng phụ cận cùng tham gia chế tạo robot. Chỉ trong thời gian ngắn, 20 đội thi đã tạo ra 20 robot cùng nhau tranh đấu qua các vòng loại để tìm ra nhà vô địch. Quan sát sản phẩm của các đội, chúng tôi thấy tuy không hiện đại như những robot nổi tiếng ở nước Mỹ trong chương trình "Robot War" nhưng nhờ sự đoàn kết, tinh thần sáng tạo, khát khao chinh phục, các em sinh viên đã chế tạo ra những "chiến binh" dũng mãnh.

Cẩn thận, tỉ mẩn chăm sóc robot của đội mình trước khi lên sàn đấu, Nguyễn Trường - sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho hay, từ nhỏ em đam mê với thiết bị điều khiển từ xa, từng chế tạo ra robot cánh tay có thể điều khiển gắp các vật dụng. Khi nghe có thông báo sẽ có cuộc thi “Robot đại chiến” phiên bản Việt Nam, Trường và các bạn háo hức lên mạng tìm các video chế tạo robot tại Mỹ để tham khảo. Mới tập thiết kế, nhóm mắc nhiều sai lầm, từ ý tưởng đến chế tạo ra robot mất đến 6 tháng. Khi hoàn thành, nhóm đã tạo một sàn đấu cho robot tập làm quen, phải học từ việc nâng gạch, đẩy lốp xe đến di chuyển trên địa hình cát. "Nhóm em có 7 sinh viên đã tạo ra robot Apolo. Cuộc đấu robot từng nằm trong trí tưởng tượng của em. Em không ngờ có một ngày giấc mơ trở thành hiện thực khi em cùng đồng đội chế tạo, điều khiển robot chiến đấu tại một giải đấu trí tuệ", Trường nói.

Còn em Nông Ngọc Toàn - sinh viên Trường Cao đẳng nghề TP Hồ Chí Minh, đại diện nhóm robot CĐN Bất Diệt cho biết: "Cuộc chơi robot chiến đấu không chỉ đầu tư nhiều tiền, làm bộ giáp mạnh mà cần sự điều khiển chiến thuật thông minh của con người để tính toán cách đánh, đẩy đối phương vào cạm bẫy... Nhóm em đặt mua rất nhiều linh kiện, nhưng chưa có kinh nghiệm nên khi lắp ráp động cơ bị cháy khá nhiều lần. Mỗi trận giao đấu, robot bị chấn thương phải khắc phục, thậm chí tìm phương án thiết kế lại toàn bộ".

Sinh viên Nông Ngọc Toàn kể, để có tiền chế tạo robot, nhóm phải xin hỗ trợ từ nhà trường và tìm các doanh nghiệp tài trợ. Nếu robot vô địch sẽ mang về cho đội chiến thắng 100 triệu đồng, nhưng đội dự thi không phải chỉ vì tiền thưởng giải cao mà vì niềm tự hào của trường, tự hào của sinh viên trong việc nghiên cứu, chế tạo robot.

Để tạo chương trình giúp robot tự hoạt động một cách thông minh, một cuộc thi robot phải thành lập đội, phân chia thành nhiều nhóm bao gồm: Thiết kế, thi công cơ khí, thi công điện - điện tử, lập trình. Theo luật đấu robot, mỗi hiệp kéo dài chỉ 3 phút. Khi robot chưa bị loại và tiến sâu vào các vòng trong thì các sinh viên lại "mất ăn, mất ngủ" để nghĩ ra chiến thuật cho trận đấu tiếp theo... Từ sân chơi sáng tạo này, các nhà tổ chức cũng muốn khơi dậy tình yêu khoa học trong các bạn trẻ, gắn lý thuyết với thực hành, từ đó tạo ra những chuyên gia tay nghề cao trong tương lai...

Tuệ Diễm