Trái đất có thể gặp một vụ nổ lớn vào tháng 6-2019
Công nghệ - Ngày đăng : 08:44, 27/12/2018
Ngày 30-6-1908, một thiên thể có kích thước bằng tòa chung cư rơi xuống và phát nổ trong bầu khí quyển vùng Siberia, Nga. Sự kiện này được gọi là Tunguska, đặt tên theo một con sông. Vụ nổ san bằng hơn 2.000 km vuông, may mắn nó xảy ra ở khu vực ít dân cư nhất châu Á, do vậy không ai bị thương hay thiệt mạng.
Nhưng Tunguska vẫn được xem như là một trong những vụ va chạm khủng khiếp nhất trong lịch sử Trái đất. Nguồn gốc vụ nổ vẫn còn là bí ẩn và các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm nguyên do.
Rồi một giả thiết ra đời cố gắng giải thích cho Tunguska: Thiên thạch đã va chạm là một Beta Taurid. Các thiên thạch Taurid thường gây ra mưa sao băng 2 lần mỗi năm vào cuối tháng 6, cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, được gọi là các “sao băng tháng 6”.
Bức ảnh được chụp vào ngày 2-12-2018. Thiên thạch Bennu trong ảnh thường cắt ngang quỹ đạo Trái đất và sẽ đến gần hành tinh chúng ta nhất trong 150 năm qua. Ảnh: NASA. |
Các sao băng này được xếp loại Beta, chúng đôi khi xuất hiện vào cả ban ngày, khi ánh Mặt trời quá mạnh và át mất hầu hết ánh sáng của các sao băng trên bầu trời.
Một tính toán mới đây bởi nhà vật lý Mark Boslough ở Phòng Thí nghiệm quốc gia Los Alamos, Mỹ chỉ ra rằng các cây bị ngã ở Siberia được tạo ra bởi cùng một kiểu va chạm, có liên quan chặt chẽ tới mưa sao băng Taurid.
Boslough và nhà vật lý Peter Brown đã có buổi thuyết trình tại Hiệp hội Địa vật lý Hoa Kì (AGU) ở Washington vào tháng này, kêu gọi một chiến dịch quan trắc đặc biệt vào tháng 6 tới để truy tìm các vật thể có kích thước bằng hoặc lớn hơn Tunguska trong các thiên thạch Taurid bay ngang qua Trái đất.
Vài năm gần đây, Trái đất thường xuyên tiếp xúc những đám mây thiên thạch Taurid dày đặc nhất. Các nhà khoa học cho rằng năm 2019 có thể là cơ hội thu thập tư liệu từ thiên thể tốt nhất kể từ năm 1975, khi địa chấn kế được để lại trên Mặt trăng bởi các phi hành gia tàu Apollo ghi nhận một chấn động do va chạm với đám mây Taurid đi ngang qua.
Vụ nổ Tunguska đến nay vẫn là bí ẩn chưa lời giải đáp. Ảnh: Allthatsinteresting. |
“Nếu vật thể gây ra vụ Tunguska là một thành viên của dòng thiên thạch Beta Taurid, thì vào tuần cuối cùng của tháng 6-2019 sẽ là lần tiếp theo một vụ nổ như vậy xuất hiện”, bài thuyết trình tại AGU cho biết.
“Mặc dù chúng tôi không dự đoán sẽ có thêm một vụ nổ Tunguska, nhưng việc gia tăng mật độ các NEO (vật thể gần Trái đất) gây ra do dòng Beta Taurid đến gần sẽ tăng khả năng có thêm một sự kiện như vậy nữa xảy ra”, nhóm chuyên gia kết luận.
Tuy nhiên cho dù thực sự có nhiều thiên thể như Tunguska trong dòng Beta Taurid, chúng cũng khó mà va chạm Trái đất.
Các chuyên gia giải thích điều này như sau: Vũ trụ rộng lớn vô lường, va vào chúng ta cũng giống như tông xe vào cái cây giữa đồng trống. Tất nhiên cũng có số ít trường hợp cá biệt. Vào năm 2013, một vụ va chạm bởi thiên thể nhỏ hơn Tunguska xảy ra trong không phận Nga gần thành phố Chelyabinsk, tạo thành quả cầu lửa và sóng xung kích phá tan các cửa sổ, làm hơn 1.000 người bị thương.
Tuy nhiên trong toàn bộ lịch sử nhân loại, không hề có ghi chép nào cho thấy thiên thạch va chạm làm chết người.
“Việc này không ghê gớm tới mức làm bạn mất ngủ đâu”, Brown nói. Boslough và Brown cho hay, phỏng đoán của họ chỉ là về việc mật độ các thiên thạch lớn sẽ tăng lên.
“Những sự kiện này được xếp vào loại rất hiếm khi xảy ra nhưng để lại hậu quả rất lớn. Rất khó để nói chắc về chúng. Tỷ lệ xảy ra một sự kiện làm nhiều người chết bởi va chạm thiên thạch là rất nhỏ nhưng không phải là không có. Tuy vậy, có nhiều thứ khác nguy hiểm hơn cần được chúng ta quan tâm”, Boslough nói.
Phi hành gia Amy Mainzer làm việc tại Phòng Thí nghiệm Lực đẩy phản lực của NASA là người chuyên săn lùng các thiên thạch, đồng thời là điều tra viên chính của NEOcam (máy quay theo dõi vật thể gần Trái đất), hệ thống được trang bị các viễn vọng kính không gian hồng ngoại theo dõi quỹ đạo Trái đất nhằm tìm ra các thiên thạch nguy hiểm tiềm tàng. Cô nói rằng các nhà khoa học đã xác định được trên 90% các vật thể có khả năng gây ra thảm họa toàn cầu.
Xét về kích thước, chỉ có khoảng 30% thiên thể được xếp cỡ vừa, tức là có đường kính 140 mét hoặc lớn hơn. Amy cho rằng chỉ có khoảng 1% các thiên thể đã thấy có kích cỡ bằng Tunguska, vào khoảng 40 mét. Cô cũng hoan nghênh ý tưởng quan sát các thiên thể kĩ hơn vào tháng 6-2019.
Tóm lại là các thiên thể cỡ lớn đều đã được quan sát, những cái nhỏ hơn thì khó gây được tổn hại cho chúng ta.
Chưa từng có ghi nhận thiệt hại về người trong các vụ va chạm thiên thạch. Ảnh: NDTV. |
“Trong vòng 100 năm tới sẽ không có vụ va chạm nào đáng kể”, Paul Chodas, quản lý tại Trung tâm Nghiên cứu vật thể gần Trái đất thuộc phòng thí nghiệm lực đẩy NASA cho biết. Ông cũng lưu ý rằng thiên thạch Bennu hiện được nghiên cứu bởi tàu đổ bộ Osiris-REx của NASA rất khó có khả năng va vào Trái đất trong vòng vài trăm năm nữa.
“Tảng đá đó đang được chúng tôi quan tâm nhưng cũng chỉ là quan tâm. Hiện chưa có thiên thạch nào đáng lo ngại”, ông kết luận.
Khối hình học của dòng Taurid khá khó để minh họa. Chúng như vòng đá xung quanh Mặt trời, một dạng vành đai thiên thạch có hình elip với quỹ đạo gần Mặt trời cỡ sao Kim nhưng cách xa quỹ đạo Trái đất.
Vành đai thiên thạch này tuy có quỹ đạo gần giống Trái đất nhưng lại chuyển động trong mặt phẳng khác, chúng ta sẽ thấy chúng 2 lần mỗi năm. Đôi khi chúng va chạm với bầu khí quyển nhưng thường các thiên thạch chỉ được phát hiện trên radar.
Boslough và Brown cho rằng bí kíp để tìm thấy những vật thể lớn trong vành đai Beta Taurid là phải nhìn theo một hướng khác chứ không phải chú tâm vào những hòn đá nhỏ bốc cháy khi va chạm với chúng ta. Nguyên nhân bởi các vật thể lớn trong không gian thường có xu hướng tập trung tại một điểm chứ không phân tán.