Năm 2018, Hà Nội xử phạt gần 29 tỷ đồng hơn 8.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Đời sống - Ngày đăng : 17:05, 27/12/2018
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị |
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trong năm 2018, toàn thành phố thành lập 938 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Kết quả đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 120.072 lượt cơ sở, phạt tiền 8.238 cơ sở với số tiền phạt gần 29 tỷ đồng, tiêu hủy sản phẩm của 250 cơ sở. Đặc biệt, Công An thành phố đã khởi tố 1 vụ với 2 bị can có hành vi sản xuất kinh doanh mỳ chính giả (nhãn hiệu Ajinomoto) tại xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ngoài ra, tuyến thành phố lấy 3.227 mẫu thực phẩm để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm 3.002/3.227 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh, hóa lý (chiếm tỷ lệ 93,0%).
Kết quả lấy 2.569 mẫu nông lâm thủy sản, phát hiện 192 mẫu vi phạm (chiếm 7,47%), trong đó tỷ lệ mẫu thịt dương tính với Salmonella và không đạt về chỉ tiêu E.coli là 54/388 mẫu (chiếm 13,9%), giảm so với năm 2017 (19%); 25/1.483 mẫu rau, củ, quả, chè tươi chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép (chiếm 1,68%), tăng so với năm 2017 (0,34%). Tuy nhiên, tỷ lệ mẫu thủy sản vi phạm về chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 110/493 mẫu (chiếm 22,3%), tăng so với năm 2017 (2,5%).
Cũng trong năm 2018, thành phố ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 256 người mắc, đã được điều tra xử lý kịp thời không có tử vong, trong đó điển hình xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại một trường mầm non tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội với 209 người mắc. Ngoài ra, điều tra xử lý 6 trường hợp ngộ độc methanol ở người nghiện rượu, trong đó 4 trường hợp tử vong. Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương điều tra, khắc phục, truy xuất nguồn gốc và tăng cường tuyên truyền tác hại của việc lạm dụng rượu và đồ uống có cồn.
Trao Cờ thi đua và Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã |
Đánh giá về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2018, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Nhân lực chuyên trách an toàn thực phẩm còn thiếu so với nhiệm vụ. Mặt khác, việc quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn chặt chẽ với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý của sản phẩm nên thực phẩm an toàn chưa tạo được niềm tin cao cho người tiêu dùng. Áp lực của việc nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng cũng làm tăng việc sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất thực phẩm. Đây là nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm thực phẩm, tồn dư hóa chất trong sản phẩm thực phẩm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố trong năm 2018 với nhiều điểm mới và sự vào cuộc tích cực của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm 30 quận, huyện, thị xã. Đồng chí Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, không chỉ công tác quản lý ngay cả khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, các sở, ngành, quận, huyện đã vào cuộc rất trách nhiệm, bài bản và kịp thời. Tuy nhiên, công tác an toàn thực phẩm luôn tồn tại nhiều vấn đề nóng, vì vậy, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục vào cuộc một cách thường xuyên, quyết liệt hơn nữa, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân sắp tới.
Dịp này, UBND TP Hà Nội trao tặng 2 Cờ thi đua cho Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm quận Cầu Giấy và Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm huyện Đan Phượng; trao tặng 30 Bằng khen cho Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm xã, phường, thị trấn và 5 Bằng khen cho Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã.