Giá trị trường tồn

Chính trị - Ngày đăng : 06:45, 27/12/2018

(HNM) - Tác phẩm

Việc tổ chức các lớp học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của TP Hà Nội đã giúp các đảng viên thấm nhuần tư tưởng và đạo đức cách mạng của Bác.


1. Đạo đức cách mạng có vai trò to lớn trong việc giúp người cách mạng khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình; khi gặp thuận lợi và thành công, vẫn giữ được tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, không kèn cựa, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa.

Tác phẩm "Đạo đức cách mạng" vạch rõ những căn bệnh và biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Đó là đòi hưởng thụ, đòi danh dự, muốn địa vị cao, sợ trách nhiệm, kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh; không lắng nghe ý kiến của quần chúng, không muốn học quần chúng, chỉ muốn làm thầy quần chúng. Rồi dần dần họ xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng.

Tác phẩm chỉ ra tác hại của chủ nghĩa cá nhân. Đó là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết, xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm. Nó trái ngược với đạo đức cách mạng; là tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi chúng ta, là bạn đồng minh của chủ nghĩa đế quốc và truyền thống lạc hậu. Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm như quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí. Nó trói buộc, bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân; chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác, một trở ngại lớn của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó.

2. Muốn đấu tranh tiêu diệt, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, trước hết, phải ý thức được rằng “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Mỗi cá nhân tự tu dưỡng hằng ngày, bền bỉ suốt đời gắn với thực tiễn cách mạng, với công tác, vị trí của mình là quan trọng nhất. Trên cơ sở nhận thức lực lượng quần chúng là rất to lớn, vô cùng vô tận, nên “phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình.

Phải cố gắng học tập lý luận Mác - Lênin để củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm tốt được công tác Đảng và nhân dân giao phó cho mình. Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người, đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Phải nhận thức thấu đáo rằng, nếu học thuộc lòng, học để trang sức, không nắm tinh thần Mác - Lênin để vận dụng vào công việc cách mạng, cũng là chủ nghĩa cá nhân.

Các nghị quyết của Trung ương gần đây đã thẳng thắn chỉ những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà tác phẩm "Đạo đức cách mạng" đã đề cập tới. Trong đó đã nhận định, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp hiện nay sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình; phai nhạt lý tưởng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…

Các nhiệm vụ, giải pháp đề cập trong nghị quyết của Trung ương là sự phát triển những nội dung tác phẩm "Đạo đức cách mạng" phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đặc biệt trong đó là những giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng, tự tu dưỡng, rèn luyện, tự phê bình và phê bình; phát huy vai trò của quần chúng nhân dân và phải được lòng dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”.

Theo tinh thần của tác phẩm "Đạo đức cách mạng", Đảng ta nhấn mạnh giải pháp nêu gương, gương mẫu là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Do vậy, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐi/TƯ).

Từ bài học xử lý một số vụ án, xử lý kỷ luật một số cán bộ cấp cao trong thời gian gần đây được đông đảo cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, cán bộ hưu trí và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.

Đọc tác phẩm "Đạo đức cách mạng" ra đời 60 năm trước, chúng ta có thể thấy, thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, tiếp tục soi sáng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đặc biệt là nhận diện và đề ra các giải pháp chống chủ nghĩa cá nhân. Thế giới, đất nước đổi thay nhưng tư tưởng của tác phẩm sống mãi.

PGS.TS Bùi Đình Phong