Nâng cao trách nhiệm xã hội của người làm báo
Đời sống - Ngày đăng : 05:51, 28/12/2018
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam để làm rõ hơn về sự cần thiết ban hành quy tắc trên trong đời sống báo chí Việt Nam.
Buổi họp báo công bố “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam”. |
- Thưa ông, tại sao Hội Nhà báo Việt Nam ban hành “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam”?
- Có thể nói rằng, chưa bao giờ vấn đề đạo đức người làm báo được đặt ra nóng bỏng và gay gắt như hiện nay. Đối với nhà báo, ngoài Luật Báo chí đã quy định cơ bản, đầy đủ về hành lang pháp lý, về quyền và nghĩa vụ thì vẫn còn có những điều luật pháp không thể quy định hết được. Có những điều luật pháp không cấm nhưng đạo đức thì không cho phép. Đơn cử như có những bình luận, nhận xét trên mạng xã hội chưa thể truy cứu về luật pháp nhưng về đạo đức thì người ta thấy không ổn.
Đứng trước một vấn đề, nhà báo có đưa tin hay không, đưa tin ở mức độ nào, phân tích khía cạnh nào thường phụ thuộc vào chủ quan của người cầm bút, liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Cốt lõi của đạo đức báo chí là sự chính trực, trung thực, khách quan... Do vậy, khi nhà báo viết trên các ấn phẩm chính thức hay khi tham gia mạng xã hội thì vẫn con người đó, trái tim, khối óc đó, phải luôn luôn bảo vệ các giá trị tốt đẹp, vì lợi ích thiết thân của người dân, lợi ích tối cao của đất nước và dân tộc. Nói cách khác, dù nhà báo sử dụng mạng xã hội như một “cư dân mạng” thì cộng đồng xã hội dễ hiểu đấy là quan điểm của nhà báo và ít nhiều mang quan điểm của cơ quan báo chí nơi nhà báo đó đang làm việc. Điều này đòi hỏi nhà báo đưa thông tin, bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội cũng cần cẩn trọng, nghiêm túc, chuẩn mực giống như khi tác nghiệp báo chí.
Thực tế, có một bộ phận người làm báo đã không thực hiện đúng chức trách của mình khi tham gia mạng xã hội. Có khi thể hiện quan điểm trên mặt báo một kiểu nhưng lại thể hiện quan điểm trái ngược khi tham gia mạng xã hội. Cho nên việc Hội Nhà báo Việt Nam ban hành “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo” chính là cụ thể hóa quy định tại Điều 5 của bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đã được Hội ban hành trước đó theo hướng chỉ rõ những điều nhà báo cần làm và không được làm khi tham gia mạng xã hội.
- Việc ban hành quy tắc này có tác động đến quyền tự do ngôn luận của người làm báo, thưa ông?
- Quy định này hoàn toàn không hạn chế quyền tự do ngôn luận của nhà báo mà còn khuyến khích các nhà báo tích cực tham gia mạng xã hội với tinh thần nghiêm túc, đấu tranh với cái ác, xấu, bất công, thiếu chuẩn mực trong xã hội. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiệu ứng và sức lan tỏa của mạng xã hội đang rất mạnh mẽ như hiện nay rất cần những tiếng nói chính trực, kịp thời, đúng đắn của các nhà báo. Nhà báo ngoài tư cách công dân, với chức trách và nhiệm vụ của mình, còn là người dẫn dắt và định hướng dư luận nên cần phải nghiêm túc, chuẩn mực trong vấn đề này.
- Để quy tắc thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống báo chí Việt Nam, cần có những giải pháp nào, thưa ông?
- Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam vừa ban hành đã nêu rất cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong việc thực thi quy định này. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các cấp Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các cơ quan báo chí trong cả nước triển khai, tổ chức thực hiện quy tắc. Người đứng đầu các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện quy tắc; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và kiểm điểm việc thực hiện; đặc biệt là đưa việc thực hiện quy tắc vào tiêu chí để xếp loại thi đua hằng năm. Các cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy tắc tới cán bộ, nhân dân để cùng giám sát việc thực hiện ở các cấp; phát hiện, cổ vũ, động viên những tập thể và cá nhân thực hiện tốt; phê phán các tập thể, cá nhân vi phạm.
Ngoài ra, quy tắc này còn có độ mở nhất định cho các cơ quan báo chí, đó là trên cơ sở quy tắc, căn cứ đặc thù, các cơ quan báo chí có thể xây dựng quy tắc riêng để điều chỉnh hành vi người làm báo thuộc cơ quan mình khi sử dụng mạng xã hội, bao gồm cả những người chưa được cấp Thẻ nhà báo, chưa phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Người làm báo vi phạm quy tắc, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trong các cơ quan, đơn vị. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xem xét, xử lý theo Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam và quy định của pháp luật.
Hiện nay trên cả nước đã thành lập 258 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp của Hội Nhà báo Việt Nam. Số lượng hội đồng như vậy đủ để thực hiện trọn vẹn chức trách của mình khi xem xét việc khen thưởng và kỷ luật hội viên, người làm báo.
- Trân trọng cảm ơn ông!