Dễ chọn trò, khó chọn thầy

Thể thao - Ngày đăng : 07:12, 29/12/2018

(HNM) - 12h ngày 27-12 là thời điểm Ban tổ chức cuộc bầu chọn “Vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu toàn quốc năm 2018” chốt hạn nhận Phiếu bầu chọn của các nhà báo chuyên theo dõi thể thao của các cơ quan truyền thông.

Bùi Thị Thu Thảo (Ba Vì - Hà Nội) được bầu chọn là vận động viên tiêu biểu nhất năm 2018 nhờ những thành tích xuất sắc.


Đổi mới phương thức bầu chọn

Đổi mới đầu tiên chính là việc các nhà báo chuyên theo dõi thể thao của các cơ quan truyền thông được quyền tham gia ngay từ khâu đề cử ứng viên, thay vì coi đây là “việc riêng” của các liên đoàn, hiệp hội, bộ môn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương. Nhờ vậy, danh sách đề cử được đa chiều, khái quát hơn về hành trình xuyên suốt 1 năm đầy ấn tượng của thể thao Việt Nam.

Đổi mới thứ hai là việc các nhà báo có thêm nhiều thời gian để cân nhắc nhiều chiều trước khi đặt bút bầu chọn. Ban tổ chức kỳ 40-2018 gửi thông tin ứng viên, mẫu phiếu bầu chọn qua email cho từng nhà báo tham gia bầu từ sáng 25-12, nhận kết quả đến 12h ngày 27-12.

Đây có thể coi là một điểm sáng, bởi 39 kỳ trước, việc tổ chức bầu chọn cùng lúc theo 3 khu vực Bắc - Trung - Nam (Hà Nội - Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh) cùng 1 ngày, các nhà báo chỉ có khoảng thời gian vài giờ, thậm chí chỉ vài chục phút để vừa nghiên cứu danh sách đề cử, vừa đặt bút viết phiếu bầu nộp tại chỗ cho Ban tổ chức. Điều này dễ dẫn đến việc người tham gia bầu chọn không nghiên cứu kỹ được hồ sơ thành tích của huấn luyện viên, vận động viên.

Với đặc thù của thể thao đỉnh cao - gắn liền với hàng trăm, hàng nghìn sự kiện, giải đấu mỗi năm, việc để sót lọt người tài khi cân - đo - đong - đếm rất dễ xảy ra, gây thiệt thòi cho ứng viên.

Những người được vinh danh đều xứng đáng


Việc xác định các vận động viên tiêu biểu của thể thao đỉnh cao và thể thao người khuyết tật không quá khó, bởi các chỉ số thành tích chuyên môn, số lượng huy chương ở các giải đấu là căn cứ khá rõ ràng. Nhưng xác định huấn luyện viên tiêu biểu không dễ dàng, bởi điều lệ quy định đối tượng bầu chọn là “các huấn luyện viên có quốc tịch Việt Nam, có công trực tiếp huấn luyện các vận động viên đạt thành tích xuất sắc tại các giải thuộc hệ thống thi đấu chính thức của quốc gia và quốc tế…”.

Với quy định này, các huấn luyện viên ngoại, như ông Park Hang-seo, huấn luyện viên của các đội tuyển bóng đá quốc gia, không có cơ hội được vinh danh. Đây là vấn đề đòi hỏi Ban tổ chức phải tiếp tục đổi mới, điều chỉnh điều lệ để có sự ghi nhận xứng đáng dành cho các huấn luyện viên nước ngoài đã và đang góp vào thành công của thể thao Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc xác định thế nào là huấn luyện viên “trực tiếp huấn luyện vận động viên đoạt huy chương, danh hiệu, phá kỷ lục quốc gia, quốc tế trong các cuộc thi đấu trong nước và quốc tế” không hề đơn giản đối với các môn có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài, nhưng huấn luyện viên trưởng là người trong nước.

Ví như môn đua thuyền rowing, truyền thông thường xuyên nhắc đến vai trò quyết định của chuyên gia người Australia mà bỏ quên những đóng góp của huấn luyện viên nội. Trong khi đó, người trong nghề hiểu rõ, dù thầy ngoại giỏi đến mấy, nhưng nếu không có sự hỗ trợ bền bỉ, kiên nhẫn và sâu sát… của huấn luyện viên nội, mọi sự khó thành công.

Với thành tích dẫn dắt đội đua thuyền rowing giành 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc ASIAD 18-2018, 1 Huy chương vàng Cúp I vô địch châu Á, 1 Huy chương vàng Cúp II vô địch châu Á, huấn luyện viên Lê Văn Quang, người thầy có 25 năm gắn bó với nghiệp huấn luyện đua thuyền, trải qua “8 đời” hỗ trợ chuyên gia ngoại xứng đáng là một trong các gương mặt được vinh danh.

Hay trường hợp của huấn luyện viên Bùi Thanh Tâm, dù chỉ được gọi bổ sung hỗ trợ huấn luyện cho các vận động viên bơi người khuyết tật quốc gia trong 2 tháng trước thềm ASIAN Para Games, nhưng người thầy này được chính các trò Võ Thanh Tùng, Nguyễn Thành Trung, Trịnh Thị Bích Như đánh giá rất cao về sự hỗ trợ cho thành tích đạt 3 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc, 3 Huy chương đồng của bơi lội Việt Nam tại Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á…

Khó có sự công bằng cho tất cả, nhưng với sự cẩn trọng của người bầu và những đổi mới từng bước trong thể lệ bầu chọn, các gương mặt được vinh danh đều là những người xứng đáng.

Bùi Thị Thu Thảo - vận động viên tiêu biểu nhất năm 2018

Kết quả bầu chọn vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu của thể thao thành tích cao và thể thao người khuyết tật Việt Nam năm 2018 do Báo Thể thao Việt Nam tổ chức đã được công bố.

Theo đó, với thành tích giành 1 Huy chương vàng nội dung nhảy xa nữ của môn điền kinh tại ASIAD 18-2018 và hàng loạt chiến tích ấn tượng khác, Bùi Thị Thu Thảo (Ba Vì - Hà Nội) đã xuất sắc giành ngôi vị số 1 trong danh sách 10 vận động viên tiêu biểu của thể thao thành tích cao.

Xếp thứ 2 ở hạng mục này cũng là một đại diện của Hà Nội - cầu thủ Nguyễn Quang Hải, người vừa nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Suzuki Cup 2018 và Quả bóng vàng Việt Nam 2018.

Kết quả các hạng mục còn lại: 5 huấn luyện viên tiêu biểu gồm Nguyễn Mạnh Hiếu (điền kinh), Lê Văn Quang (đua thuyền rowing), Nguyễn Văn Hùng (pencak silat), Nguyễn Hoàng Vũ (bơi), Trương Minh Sang (thể dục dụng cụ).

5 vận động viên người khuyết tật xuất sắc: Võ Thanh Tùng (bơi), Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng (cử tạ), Nguyễn Thành Trung (bơi), Nguyễn Thị Mỹ Linh (cờ vua).

3 huấn luyện viên xuất sắc của thể thao người khuyết tật: Bùi Thanh Tâm (bơi), Nguyễn Hồng Phúc (cử tạ), Bùi Quang Vũ (cờ vua).

Mai Hoa