Phòng chống cướp, cướp giật tài sản: Người dân cần nâng cao cảnh giác
Đời sống - Ngày đăng : 06:44, 29/12/2018
Lực lượng Cảnh sát 141 (Công an TP Hà Nội) ra quân kiểm tra, trấn áp tội phạm. Ảnh: Thái Hiền |
Nhiều thủ đoạn
Ngày 21-11-2018, tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 4 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội) đã bắt giữ đối tượng Bùi Minh Nhân (sinh năm 1987, quê tỉnh Hậu Giang) có hành vi cướp giật điện thoại rồi bỏ chạy đến khu vực ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng (quận Hai Bà Trưng).
Gần đây nhất, ngày 24-12-2018, lực lượng Đồn Công an Miếu Môn và Đội Cảnh sát giao thông số 12 đã bắt giữ Kiều Văn Bản (sinh năm 1975, quê tỉnh Hà Nam) có hành vi dùng dao khống chế để cướp tài sản trong nhà một người dân tại huyện Chương Mỹ.
Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết, vào thời điểm cuối năm, các loại tội phạm như cướp, cướp giật, trộm cắp hoạt động nhiều hơn, thường lợi dụng sơ hở của người dân trong khi tham gia giao thông, sinh hoạt, mua bán hàng hóa… để phạm tội. Các đối tượng thường sử dụng dao, kiếm, bình xịt hơi cay, thậm chí là vũ khí “nóng” nhằm khống chế, đe dọa, chống trả người bị hại cũng như cơ quan chức năng nhằm cướp tài sản và chạy trốn.
Còn theo Trung tá Nguyễn Minh Quang, Đội trưởng Đội Phòng chống cướp và cướp giật tài sản (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội), địa bàn gây án của các đối tượng cướp, cướp giật tài sản chủ yếu ở các quận, là nơi tập trung đông người.
Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm, các khu vực ngoại thành cũng là nơi dễ xảy ra các vụ cướp. Địa điểm các đối tượng này thường lựa chọn là những khu vực vắng vẻ, ít người qua lại như các tuyến đường dẫn lên cao tốc, tuyến đường đê, đường liên thôn, liên xã…
Đáng lưu ý, đối tượng ở địa phương lân cận đến địa bàn Thủ đô gây án chiếm tỷ lệ khá cao với khoảng hơn 22%. Nhiều đối tượng liên tục di chuyển, gây án ở nhiều tỉnh, thành phố; đồng thời còn liên kết với nhau tạo thành đường dây lớn, hoạt động với thủ đoạn tinh vi khiến cho công tác điều tra gặp nhiều khó khăn.
Nâng cao tinh thần cảnh giác
Lực lượng công an xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) tuần tra giữ gìn an ninh trật tự. Ảnh: Bá Hoạt |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an về việc triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngày 16-12-2018, Giám đốc Công an TP Hà Nội ra lệnh cho công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã đồng loạt ra quân triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Trong đó, Giám đốc Công an thành phố lưu ý các đơn vị tập trung đấu tranh với tội phạm cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản, nhất là trộm đột nhập, cướp giật, trộm cắp, móc túi tại các địa bàn công cộng…
Với những yêu cầu đó, Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) cho biết, đơn vị đã phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt các giải pháp để tổ chức rà soát, phát hiện các ổ nhóm, đối tượng cướp, cướp giật tài sản. Khi phát hiện các ổ nhóm tội phạm cướp, cướp giật tài sản hoạt động, đơn vị sẽ nhanh chóng tập trung điều tra, triệt xóa.
Việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo liên quan đến tội phạm hình sự nói chung và tội phạm cướp, cướp giật tài sản nói riêng được đơn vị tổ chức ứng trực 24/24 giờ, kể cả trong thời gian nghỉ Tết. Đồng thời, công tác nắm bắt các đối tượng nằm trong diện quản lý được đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện một cách bài bản, có hiệu quả với mục tiêu không để các đối tượng trong diện quản lý tái phạm, gây án trên địa bàn.
Theo Trung tá Nguyễn Minh Quang, để phòng ngừa cướp, cướp giật, người dân cần được trang bị đầy đủ những kỹ năng, kinh nghiệm phòng tránh. Người dân cần chú ý hạn chế di chuyển, dừng xe… nhất là vào ban đêm tại những tuyến đường vắng vẻ khi chỉ có một mình.
Để tránh trở thành “con mồi” cho các đối tượng cướp, cướp giật, người dân cũng không nên mang, đeo những tài sản, trang sức có giá trị lớn trên người; đồng thời cần xem xét lại quy luật sinh hoạt hằng ngày để không tạo sơ hở cho tội phạm có cơ hội ra tay.
"Trong mọi tình huống xấu có thể xảy ra, cần bảo đảm sự an toàn cho bản thân và người khác trước khi nghĩ đến việc chống trả, bắt giữ đối tượng. Nếu người dân bị cướp, cướp giật tài sản, cần trình báo sớm đến cơ quan công an nơi gần nhất để lực lượng chức năng nhanh chóng điều tra, bắt giữ đối tượng gây án", Trung tá Nguyễn Minh Quang khuyến cáo.
Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) cho biết, năm 2018 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 203 vụ cướp giật tài sản (giảm 101 vụ so với năm 2017) và 160 vụ cướp tài sản (giảm 20 vụ). Phòng Cảnh sát hình sự và công an các quận, huyện, thị xã đã điều tra khám phá hơn 130 vụ cướp giật tài sản, bắt 137 đối tượng, đạt tỷ lệ gần 72%; điều tra khám phá 145 vụ cướp tài sản, bắt 30 đối tượng, đạt tỷ lệ hơn 90%. |