Hướng tới mùa lễ hội văn minh, an toàn

Văn hóa - Ngày đăng : 08:02, 30/12/2018

(HNM) - Quyết liệt chấn chỉnh những hạn chế, tiêu cực đã mang lại nhiều đổi mới cho mùa lễ hội 2018.


Để không “tả tơi như chơi hội”

Huyện Mỹ Đức vừa tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức, quản lý lễ hội chùa Hương năm 2019. Một loạt giải pháp được đề ra nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong mùa lễ hội trước, gồm: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch mặt bằng kinh doanh dịch vụ; lập kế hoạch phân luồng giao thông, giải tỏa vi phạm hành lang giao thông; tổ chức các điểm bán vé bổ sung, tăng cường đội ngũ kiểm tra, giám sát... Tất cả những nhiệm vụ này phải hoàn thành trước ngày 20-1-2019 để bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, hiệu quả.

Lễ hội chùa Hương năm 2018 có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức, thu hút hàng triệu lượt người tham gia.


Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2019 Nguyễn Văn Hậu cho biết, tất cả những hành vi đổi tiền lẻ; dịch vụ kinh doanh thịt động vật hoang dã, treo móc thịt tươi sống phản cảm, thực phẩm nướng gây khói... sẽ bị cấm trong khu vực lễ hội. Ban Tổ chức lễ hội sẽ trực tiếp cấp phép cho những người tham gia công tác phục vụ ở các đền, chùa, động... trong khu vực thắng cảnh; bố trí bàn ghi công đức, đặt hòm công đức bảo đảm thuận tiện, hợp lý; kiên quyết xử lý hình thức quảng cáo bán hàng bằng loa đài, các điểm cờ bạc trá hình hay hàng quán trong khu vực nội tự các chùa, động...

Sau nhiều năm chật vật với nạn tranh cướp lộc bạo lực, phản cảm, mùa lễ hội 2018 là lần đầu tiên Ban Tổ chức lễ hội đền Sóc có thể thở phào nhẹ nhõm khi những hiện tượng trên được vô hiệu hóa, xóa bỏ ấn tượng “tả tơi như chơi hội” tại điểm di tích giàu ý nghĩa này. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng ban tổ chức lễ hội đền Sóc 2019 Lê Hữu Mạnh nhấn mạnh: "Quyết định đẩy sớm thời gian hành lễ cũng như thay đổi hình thức rước lễ đã góp phần bảo tồn nguyên vẹn ý nghĩa lễ hội cũng như làm thay đổi tư duy, nhận thức tiêu cực, thiếu lành mạnh của một bộ phận người dân. Những giải pháp này sẽ tiếp tục được thực hiện trong lễ hội năm 2019".

Tìm về giá trị nguyên bản

Không chỉ riêng huyện Mỹ Đức và huyện Sóc Sơn, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng đã chủ động lên kế hoạch tổ chức, quản lý lễ hội với quyết tâm giữ gìn giá trị nguyên bản của lễ hội truyền thống. Mặc dù còn hơn 4 tháng nữa lễ hội chùa Thầy mới diễn ra, nhưng theo Ban Tổ chức lễ hội, công tác chuẩn bị cho hoạt động tâm linh giàu ý nghĩa này cũng đã được tính đến. Đó là khôi phục các nghi thức tế lễ; tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; lên kế hoạch quy hoạch hàng quán, phân luồng giao thông, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hang động, lập biển chỉ dẫn các điểm tham quan...

Đặc biệt, hướng tới lễ hội kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2019), lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa, sẽ diễn ra vào ngày 9-2-2019 (tức mùng 5 Tết Nguyên đán), UBND quận Đống Đa đã xây dựng kế hoạch, triển khai một loạt hoạt động kỷ niệm, chào mừng, tuyên truyền, quảng bá, giáo dục di sản vào thời điểm trước, trong và sau lễ hội. Điểm nhấn của chuỗi hoạt động này, có thể kể đến các chương trình nghệ thuật, tổ chức chiếu phim 3D chào mừng lễ hội; hội thi “tự hào Đống Đa”; triển lãm “Thời kỳ Tây Sơn”; lễ tưởng niệm 226 năm Ngày mất của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ… Kịch bản phân luồng giao thông, điểm trông gửi xe, quy hoạch hàng quán, dịch vụ, giám sát an ninh, trật tự… cũng đã được lên phương án, bảo đảm một mùa lễ hội văn minh, giàu ý nghĩa tại di tích đặc biệt này. Trong khi đó, nhiều quận, huyện khác, dù không có lễ hội lớn, vẫn tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức, quản lý lễ hội với các nhiệm vụ được đặc biệt lưu ý, như bài trừ mê tín dị đoan, đổi tiền lẻ, ngăn chặn cờ bạc, bạo lực…

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định: Trong mùa lễ hội 2019, những vấn đề tiêu cực sẽ tiếp tục được hạn chế tối đa. Công tác cấp phép tổ chức lễ hội sẽ được siết chặt, những lễ hội phi truyền thống, lễ hội truyền thống cho doanh nghiệp đứng ra tổ chức... sẽ không được cấp phép. Những lễ hội đã được tổ chức định kỳ mà nảy sinh vấn đề gây bức xúc trong dư luận sẽ được tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng, các chuyên gia để lựa chọn ra hình thức phù hợp với đời sống văn hóa và xu thế thời đại. Những hành động phản cảm, tiêu cực, như: Tranh cướp lộc bạo lực; đốt vàng mã quá nhiều… cũng có các giải pháp chủ động, quyết liệt hơn để xóa bỏ.

Một mùa lễ hội đang đến gần. Những chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2018 có trở thành tiền đề để tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm mới hay không còn cần có sự quyết liệt của chính quyền địa phương và ý thức người tham gia lễ hội. Mong rằng công tác quản lý lễ hội ở các địa phương sẽ tiếp tục được thực thi nghiêm túc. Mỗi người dân tham gia lễ hội biết đề cao trách nhiệm vì việc chung, vì cộng đồng. Có như vậy, mỗi lễ hội sẽ thực sự là điểm đến văn hóa, tín ngưỡng đầy hấp dẫn cho nhân dân và du khách; những phong tục tập quán tốt đẹp trong lễ hội tiếp tục được thực hành, lan tỏa giá trị trong đời sống.

Thanh Thủy