10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2018
Thế giới - Ngày đăng : 05:24, 31/12/2018
1. Tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có bước tiến ngoạn mục
Tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có nhiều chuyển biến tích cực sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được nối lại sau hơn một thập niên căng thẳng và cuộc gặp mặt chưa từng có giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12-6 đã tạo nên bước ngoặt lớn cho điểm nóng ở khu vực Đông Bắc Á. Các hoạt động ngoại giao tiếp theo đã từng bước tháo gỡ căng thẳng, hướng tới một tương lai ổn định cho hai nước cũng như của khu vực.
2. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu bằng các đòn trả đũa thuế quan lẫn nhau tác động mạnh tới hoạt động thương mại, kinh tế và thị trường tài chính của cả hai nước cũng như toàn cầu. Dù ngày 1-12, nguyên thủ hai nước đã đạt thỏa thuận "đình chiến" 90 ngày nhằm dàn xếp các bất đồng nhưng những khác biệt lợi ích lớn khiến triển vọng hóa giải các khúc mắc là không dễ dàng.
3. Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực
Bộ trưởng các nước trong lễ ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương tại Chile (tháng 3-2018). Ảnh: Reuters |
Sau khi Australia trở thành nước thứ sáu phê chuẩn, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 30-12-2018. Kể từ năm 2019, CPTPP (gồm các thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) sẽ tạo ra khu vực kinh tế mở gồm 11 nước với tổng giá trị GDP hơn 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu. Sự thành công của CPTPP sau khi Mỹ rút đi là một thành công của quyết tâm thúc đẩy thương mại tự do trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.
4. Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran
Bất chấp các quy tắc và thông lệ quốc tế, ngày 8-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran. Động thái này đã đe dọa lợi ích kinh tế của nhiều nước và gây rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu. Nhiều quốc gia chỉ trích hành động của Mỹ là sự “phá vỡ lòng tin vào trật tự quốc tế”, đồng thời gây thêm nguy cơ bất ổn cho khu vực Trung Đông.
5. Pháp chấn động vì biểu tình “Áo vàng”
Cuối năm 2018, nước Pháp phải đối mặt với cuộc biểu tình lớn nhất trong vòng 5 thập kỷ khi hàng chục nghìn người mặc áo vàng nhiều lần đổ xuống đường phố, yêu cầu chính phủ hủy bỏ chính sách tăng thuế xăng dầu và cải thiện đời sống người dân. Đây được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt khi các cuộc tuần hành nhanh chóng leo thang thành bạo loạn và lan sang nhiều nước châu Âu, buộc chính phủ phải đưa ra nhiều nhượng bộ.
6. Cuba bầu lãnh đạo mới và sửa đổi Hiến pháp
Ngày 18-4, đồng chí Miguel Diaz-Canel Bermudez, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba, mở đầu cuộc chuyển giao lịch sử của cách mạng Cuba, tiếp nối cựu Chủ tịch Raul Castro hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra, đưa đảo quốc Caribe phát triển trong thời kỳ mới. Cuối tháng 7, tại phiên họp thường kỳ đầu tiên nhiệm kỳ khóa IX, Quốc hội Cuba đã thông qua dự thảo Hiến pháp mới với những thay đổi lớn về chính trị, kinh tế và xã hội, phù hợp với tình hình đất nước.
7. Mỹ chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem
Bất chấp sự phản đối từ Palestine và hàng loạt quốc gia trên thế giới, Mỹ chính thức chuyển Đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem vào tháng 5 và đây là một trong số các chính sách ngoại giao gây tranh cãi nhất của Tổng thống Donald Trump trong năm 2018. Diễn biến này đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình và bạo lực đẫm máu mới ở Dải Gaza, khiến tình hình ở Trung Đông càng trở nên phức tạp.
8. Động đất, sóng thần ở Indonesia
Ít nhất 429 người thiệt mạng, 1.485 người bị thương và 154 người mất tích là những con số khủng khiếp mà vụ sóng thần do núi lửa Anak Krakatau phun trào tại eo biển Sunda nằm giữa đảo Sumatra và Java gây ra vào tối 22-12. Trước đó, ngày 28-9, một trận động đất và sóng thần tại TP Palu trên đảo Sulawesi cướp đi sinh mạng của 2.073 người và làm khoảng 5.000 người mất tích. Cuối tháng 7 và đầu tháng 8, các trận động đất liên tiếp tại đảo Lombok đã khiến hơn 300 người thiệt mạng và san phẳng hàng nghìn ngôi nhà.
9. Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria
Ngày 19-12, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút quân đội khỏi Syria vì đã hoàn thành mục tiêu đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại nước này. Quyết định của ông chủ Nhà Trắng ngay lập tức vấp phải những ý kiến phản đối từ nhiều quan chức và cả Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, người đứng đầu nước Mỹ không đưa ra khung thời gian cụ thể cho việc rút quân.
10. Nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại
Tháng 10, thế giới chấn động trước vụ việc nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi, đang sống lưu vong tại Mỹ, bị sát hại dã man vào ngày 2-10 tại lãnh sự quán nước này ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Trước áp lực của cộng đồng quốc tế, Saudi Arabia thừa nhận vụ ám sát đã được lên kế hoạch và truy tố 11 người. Vụ việc cũng làm giảm uy tín của nước này và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngoại giao với các đồng minh phương Tây.