Giao đất dịch vụ đến hộ dân: Vẫn khó khăn, vướng mắc
Bất động sản - Ngày đăng : 06:22, 31/12/2018
Khu đất dịch vụ Đồng Dưa, phường Hà Cầu (quận Hà Đông) đã giao đến hộ, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.Ảnh: Phương Uyên |
Chưa “chạm” mục tiêu
Tại quận Hà Đông, nhiều phường đã thực hiện giao đất dịch vụ đến hộ đạt từ 91% đến 100%, như: Phúc La, Vạn Phúc, Hà Cầu, La Khê... Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hà Đông Nguyễn Minh Trường, toàn quận có 18.754 hộ đã được nhận đất dịch vụ, sau khi đã hoàn thành giao đất để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, dự án phát triển nhà ở, với tổng diện tích hơn 150,5ha, đạt 69%. Quận đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 11.181 thửa, trong đó có 5.661 thửa đã được nhân dân xây dựng công trình…
Trong khi đó, huyện Ba Vì là địa phương có số hộ được giao đất dịch vụ thuộc diện thấp nhất thành phố. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì Kiều Văn Tài cho biết: Sau khi triển khai các bước theo quy định, huyện đã giao đất dịch vụ ở khu đồng Vũ Lâm (thị trấn Tây Đằng) cho 42/69 hộ. Trong quý I-2019, huyện sẽ hoàn thành việc giao đất dịch vụ cho 27 hộ còn lại.
Tương tự, tại huyện Quốc Oai, đến nay có 7/9 dự án đất dịch vụ đã hoàn thành giao đất tại thực địa và trên sơ đồ cho các hộ dân, đạt 85%. Hai dự án còn lại đang được UBND huyện chỉ đạo đơn vị chức năng và các xã: Yên Sơn, Đồng Quang phối hợp, tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành việc giao đất ở, đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân trước ngày 30-9-2018. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 12-2018, toàn thành phố mới thực hiện giao đất dịch vụ cho 42.114 hộ với tổng diện tích 356,1ha, đạt 65% (tăng 7,15% so với năm 2017). Một số địa phương có tỷ lệ giao đất dịch vụ đạt thấp, dưới 40%, như: Mỹ Đức, Thạch Thất, Chương Mỹ. Đáng lưu ý, một số quận, huyện vẫn tồn tại vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách chưa được giải quyết dứt điểm như: Hà Đông, Mê Linh…
Tại quận Hà Đông, nơi có số hộ được giao đất dịch vụ lớn nhất thành phố với tổng số 27.139 hộ, nhưng hiện còn tới 8.435 hộ chưa được giao. Nguyên nhân là một số hộ dân ở các phường: Dương Nội, Yên Nghĩa, Đồng Mai chưa chấp nhận phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, nên không kê khai hồ sơ xét duyệt đất dịch vụ hoặc có những hộ đã được xét duyệt, nhưng chưa nộp tiền…
Ngoài ra, có những trường hợp phải tạm dừng xét duyệt do UBND thành phố đang giao Thanh tra thành phố rà soát những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách… khiến nhiều hộ dân băn khoăn.
Đơn cử, gia đình ông Đỗ Văn Tuế ở tổ dân phố 2, phường Đồng Mai (quận Hà Đông) chia sẻ: "Năm 2017, gia đình tôi được bốc thăm, nhận vị trí đất dịch vụ và nộp tiền xây dựng hạ tầng, nhưng quận lại tạm dừng giao đất để phục vụ công tác thanh tra. Do điều kiện nhà ở chật chội nên mọi nhu cầu sinh hoạt đều khó khăn, bởi vậy, chúng tôi mong sớm được nhận đất, xây nhà để ổn định cuộc sống"...
Cũng do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên huyện Mê Linh vẫn còn tới 5.134 trường hợp chưa được giao đất dịch vụ. Còn tại địa bàn thị xã Sơn Tây - nơi đạt tỷ lệ giao đất dịch vụ tới 98,46%, nhưng vẫn còn vướng mắc do một số hộ chưa thống nhất việc ghép chung thửa; hoặc việc hoàn thiện thủ tục gặp khó khăn do một trong số chủ sử dụng ghép chung thửa đất đã qua đời... Tương tự, tại huyện Chương Mỹ, nhiều hộ gia đình được giao đất dịch vụ có diện tích nhỏ, phải ghép thửa, nhưng các hộ chưa tìm được tiếng nói chung.
Ngoài ra, còn có những trường hợp không hợp tác với chính quyền địa phương trong việc hoàn thiện thủ tục giao đất, do trước đó đã chuyển nhượng đất dịch vụ… Trong khi đó, có những địa phương chưa giao đất dịch vụ đến hộ do mới giải phóng xong mặt bằng các khu đất dịch vụ và đang triển khai xây dựng hạ tầng, như Ứng Hòa (111 hộ), Bắc Từ Liêm (771 hộ)...
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ
Lực lượng chức năng huyện Hoài Đức và xã Song Phương thực hiện giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ tại xứ đồng Nền Đình và Đám Mạ. Ảnh: Trần Lê |
Hiện, toàn thành phố còn 35% số hộ đủ điều kiện được giao đất dịch vụ (khoảng hơn 22.000 hộ) nhưng chưa được giao đất. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Số diện tích đất dịch vụ còn lại, đã có hơn 105,6ha được xây dựng hạ tầng, nhưng chưa tổ chức giao đến hộ; gần 123,6ha đã giải phóng mặt bằng, nhưng chưa xây dựng hạ tầng; 15,7ha đã giới thiệu địa điểm quy hoạch, đang được triển khai lập dự án…
Để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, các quận, huyện, thị xã đang rà soát, phối hợp, phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo thực hiện, chủ động làm việc với các sở, ngành để có phương án tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, nhằm giải quyết dứt điểm việc giao đất ở, đất dịch vụ cho các hộ dân xong trước tháng 6-2019.
Từ thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, huyện đang đề xuất UBND thành phố xem xét, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để đỡ thiệt thòi cho những hộ có đất bị thu hồi. Đối với những vướng mắc trong giao đất dịch vụ ở địa bàn quận Hà Đông và huyện Mê Linh, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, để có cơ sở xem xét, tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế, thiệt thòi cho các hộ dân bị thu hồi đất, UBND thành phố đang giao Thanh tra thành phố và các sở, ngành chức năng phối hợp với các địa phương rà soát, làm rõ, tổng hợp báo cáo UBND thành phố xem xét hướng giải quyết…
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, cùng với việc báo cáo tiến độ giao đất dịch vụ hằng tháng, Sở cũng kiến nghị UBND thành phố xem xét, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân để sớm hoàn thành công tác này theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố.