Những chính sách về kinh tế có hiệu lực từ tháng 1-2019
Kinh tế - Ngày đăng : 00:35, 01/01/2019
ư: CPTPP có hiệu lực với Việt Nam; tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; điều chỉnh về cho vay ngoại tệ...
(Ảnh minh họa,nguồn: Internet) |
CPTPP có hiệu lực với Việt Nam
Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 12-11-2018 và thông báo cho New Zealand (nước lưu chiểu hiệp định) vào ngày 15-11. Do đó, sau 60 ngày, tức là vào ngày 14-1-2019, Hiệp định chính thức có hiệu lực với Việt Nam.
Trước Việt Nam, 6 nước đã phê chuẩn CPTPP là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Hiệp định có hiệu lực vào ngày 30-12-2018.
Cơ hội lớn nhất từ CPTPP với Việt Nam không phải là việc mở rộng thị trường mà là cải cách thể chế. Sắp tới, Việt Nam sẽ sửa 7 luật và hàng chục nghị định trong quá trình rà soát pháp luật để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư. Điều này sẽ thay đổi tư duy xây dựng luật và thực thi luật ở cả cấp trung ương và địa phương.
Lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; cam kết đối với hoạt động mua sắm công; cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước; cam kết về vấn đề môi trường, thương mại điện tử…
Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu
Theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT), từ ngày 1-1-2019, thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng xăng dầu và các mặt hàng có ảnh hưởng xấu đến môi trường sẽ được điều chỉnh.
Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít. Ngoài ra, thuế môi trường với dầu nhờn, mỡ nhờn cũng tăng lên từ 900 đồng lên 2.000 đồng một lít.
Mặc dù việc tăng mức thuế BVMT đối với các mặt hàng này sẽ tác động đến giá bán hàng hóa nhưng việc tăng thuế BVMT sẽ khuyến khích việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả hơn; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường, từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40%
Theo Thông tư 16/2018/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từ ngày 1-1-2018 đến hết ngày 31-12-2018, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng tỷ lệ 45%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%.
Còn từ ngày 1-1-2019, tỷ lệ áp dụng với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm xuống còn 40%; áp dụng với tổ chức tín dụng phi ngân hàng vẫn giữ ở mức 90%. Việc này được cho là nhằm giảm rủi ro thanh khoản.
Điều chỉnh về cho vay ngoại tệ
Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú. Việc cho vay ngoại tệ được chi tiết hóa theo thời gian vay vốn và mục đích sử dụng vốn.
Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước được thực hiện đến hết ngày 31-3-2019. Cũng với mục đích trên nhưng cho vay trung, dài hạn sẽ được thực hiện đến hết ngày 30-9-2019. Khách hàng vay phải có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay… Thông tư có hiệu lực từ 1-1-2019.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành Thông tư trên nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động-cho vay sang quan hệ mua-bán ngoại tệ.
Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia
Ngày 15-11-2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 44/2018/TT-BCT quy định về tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia.
Theo đó, từ ngày 1-1-2019 đến 31-12-2023, tạm ngừng hoạt động kinh doanh tạm nhập từ Lào và Campuchia để tái xuất sang nước thứ ba đối với gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên thuộc nhóm HS 44.03 và 44.07 theo Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27-6-2017 của Bộ Tài chính.