Vụ Đông Xuân, các tỉnh phía Bắc có kế hoạch giảm 5.600ha lúa
Nông nghiệp - Ngày đăng : 19:35, 01/01/2019
Các tỉnh phía Bắc có kế hoạch gieo trồng hơn 1,1 triệu ha lúa vụ Đông Xuân, giảm 5.600 ha so với vụ Đông Xuân 2017-2018. Sản lượng ước đạt khoảng 7,216 triệu tấn, giảm khoảng 16.200 tấn so với vụ Đông Xuân 2017-2018.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Vụ Đông Xuân 2018-2019 được dự báo có xu hướng ấm hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng vẫn có khả năng sẽ xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 4-7 ngày tập trung trong tháng 1-2019 và nửa đầu tháng 2.
Do đó, các địa phương bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi; tránh rét “nàng bân” khi lúa trỗ, tránh lũ tiểu mãn ở vùng đất thấp khi thu hoạch, đồng thời thuận lợi cho gieo cấy sớm lúa Hè Thu, vụ Mùa và triển khai vụ Đông 2019.
Các tỉnh Bắc Trung Bộ chủ yếu sử dụng giống ngắn ngày, cực ngắn ngày, hạn chế tối đa giống dài ngày, đảm bảo lúa trỗ từ 10-4 đến 25-4 đối với các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế và từ 25-4 đến 5-5 đối với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc hạn chế tối đa trà Xuân sớm, Xuân trung, tập trung chủ yếu trà Xuân muộn, gieo mạ xung quanh tiết lập Xuân và tập trung cấy sau Tết Nguyên đán, kết thúc cấy trong tháng 2-2019 bằng các giống ngắn ngày, đảm bảo lúa trỗ tập trung từ 10-20/5.
Mỗi địa phương rà soát cơ cấu giống lúa, lựa chọn 3-4 giống chủ lực, 3-4 giống bổ sung, tỷ lệ mỗi giống không quá 30% diện tích để tránh rủi ro; dự phòng hạt giống khoảng 10%.
Việc đảm bảo đủ số lượng và chất lượng mạ Xuân có ý nghĩa quyết định thắng lợi của vụ lúa Đông Xuân. Do đó, các địa phương cần hướng dẫn nông dân thực hiện tốt kỹ thuật làm mạ Xuân, lưu ý che phủ nilon 100% diện tích mạ để đề phòng tránh rét và ngăn cản xâm nhập của rầy gây bệnh ngay trên mạ, sử dụng mạ non khi cấy.
Bộ cũng khuyến khích nông dân các địa phương mở rộng phương thức mạ khay, máy cấy, dịch vụ trọn gói và cánh đồng lớn một giống, một trà, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, sử dụng vật tư đầu vào hợp lý, hiệu quả, liên kết bao tiêu sản phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Cục Trồng trọt theo dõi sát sao tình hình sản xuất, hướng dẫn các địa phương kịp thời về thời vụ, cơ cấu giống và các tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, xử lý kịp thời tình huống do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Cục phối hợp với Hiệp hội thương mại Giống cây trồng Việt Nam kiểm soát tốt số lượng, cơ cấu giống phù hợp để cung ứng cho sản xuất.