Những điểm mới nổi bật của 10 luật có hiệu lực thi hành từ hôm nay

Chính trị - Ngày đăng : 09:52, 01/01/2019

(HNMO) - Hôm nay (1-1-2019), 10 Luật dưới đây sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều nội dung đáng chú ý, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi cá nhân cũng như sự phát triển của từng địa phương, đất nước.



Luật An ninh mạng có hiệc lực thi hành từ ngày hôm nay (1-1-2019).


1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch của 11 Luật


Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch của 11 Luật gồm: Luật An toàn thực phẩm, Luật Công chứng, Luật Dược, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Luật Trẻ em.

Luật được ban hành nhằm bảo đảm quy định của các luật có liên quan thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch.

Một số điểm mới của luật như sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, bổ sung một số điểm như xây dựng chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm; ban hành chính sách phát triển chợ, siêu thị; trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định về điều kiện kinh doanh thực phẩm tại các chợ, siêu thị….

Luật Trẻ em được bổ sung một số quy định như khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em; bảo đảm điều kiện, thời gian, thời điểm thích hợp để trẻ em được tham gia hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch 2018

Luật được biểu quyết tán thành thông qua tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XIV với nhiều điểm mới nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch; đồng thời giải quyết các xung đột trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành.

Luật bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đang cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, tại khoản 6 Điều 28 Luật sửa đổi 37 luật liên quan đến quy hoạch 2018 đã chính thức bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh. Theo đó, không tiếp tục lập quy hoạch xây dựng tỉnh mà tích hợp nội dung này vào quy hoạch tỉnh để bảo đảm đồng bộ trong hệ thống quy hoạch.

Để đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động quy hoạch, Luật cũng bãi bỏ giấy phép quy hoạch xây dựng tại Luật Xây dựng, giấy phép quy hoạch đô thị và chứng chỉ quy hoạch tại Luật Quy hoạch đô thị.

Luật sửa đổi 37 luật liên quan đến quy hoạch cũng đã sửa đổi toàn bộ Chương IV của Luật Đất đai 2013. Đáng chú ý, Luật đã bổ sung quy định về tầm nhìn quy hoạch đất quốc gia. Theo đó, tầm nhìn quy hoạch đất quốc gia là từ 30 - 50 năm, cấp huyện là từ 20 - 30 năm quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Đất đai 2013 sửa đổi.

3. Luật Thể dục, thể thao sửa đổi 2018

Luật được thông qua ngày 14-6-2018 tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. Đây được xem là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành thể thao Việt Nam năm 2018. Một trong những điểm đáng chú ý nhất được bổ sung vào Luật Thể dục thể thao là việc đặt cược được chính thức luật hóa. Theo đó, đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược.

Luật nêu rõ, kinh doanh đặt cược thể thao là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược thể thao chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược thể thao.

Hoạt động kinh doanh đặt cược phải minh bạch, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Đồng tiền sử dụng để đặt cược thể thao, trả thưởng trong kinh doanh đặt cược thể thao là đồng Việt Nam.

Ngoài ra, Chính phủ quyết định danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao, quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.

Một điểm đáng chú ý nữa là Luật không quy định bơi là môn thể thao bắt buộc trong chương trình chính khóa, mà chỉ quy định trách nhiệm của Nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi.

4. Luật Đo đạc và bản đồ 2018

Luật được thông qua tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XIV gồm 9 Chương, 61 Điều với nhiều điểm mới, mang tính đột phá về thể chế, chính sách trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ như đảm bảo thống nhất về đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước, tránh chồng chéo trong công tác quản lý và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ từ Trung ương đến địa phương và giữa các bộ, ngành.

Theo lãnh đạo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam, đây là lần đầu tiên việc xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia được luật định. Nhờ đó, sẽ tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ cho UBND cấp tỉnh, tạo tính chủ động và phát huy nguồn lực của địa phương;

Việc thông qua Luật sẽ góp phần đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nguồn lực của xã hội tham gia vào các hoạt động đo đạc và bản đồ; thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiến tiến, hiện đại trong thu nhận và xử lý thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, góp phần thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật dựa trên cơ sở dữ liệu không gian địa lý.

Luật sẽ giúp xác lập tính hợp pháp của các cá nhân hành nghề độc lập về đo đạc và bản đồ, đảm bảo quyền và trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ cũng như tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng rộng rãi thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

5. Luật An ninh mạng 2018

Luật An ninh mạng 2018 đã được Quốc hội thông qua với tỉ lệ 86,86%, gồm 7 Chương, 43 Điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chương II của Luật quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Đây là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Luật, thể hiện đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này, trong đó nêu ra những tiêu chí xác định, lĩnh vực liên quan, quy định các biện pháp như thẩm định an ninh mạng, đánh giá điều kiện, kiểm tra, giám sát an ninh mạng và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh Quốc gia.

Ngoài ra, để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Chương III Luật An ninh mạng quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Một điểm nổi bật khác là Chương IV của Luật đã quy định rõ về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

6. Luật Tố cáo 2018

Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ năm với nhiều điểm đáng chú ý. Trong đó, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người tố cáo, Luật tiếp tục quy định chỉ có hai hình thức tố cáo chính thức là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Đối với tố cáo nặc danh, mạo danh, Điều 25 của luật quy định, khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.

Tuy nhiên, trong trường hợp thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Để bảo vệ người tố cáo, Điều 47 của Luật quy định, người được bảo vệ bao gồm người tố cáo; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.

7. Luật Quốc phòng 2018

Với 7 Chương và 40 Điều, Luật Quốc phòng quy định nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.

Một trong những điểm đáng chú ý của Luật là quy định về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng được nêu ở Điều 15.

Theo quy định tại điều này, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 15 của Luật cũng đã nêu rõ các nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng.

8. Luật Quy hoạch 2017

Luật được thông qua tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV bao gồm 6 Chương, 59 Điều và 3 phụ lục. Luật quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý nhà nước trong hoạt động quy hoạch. Hai trong số những tư tưởng đổi mới nổi bật của Luật Quy hoạch là sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng tích cực và bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm, thay vào đó để thị trường tự điều tiết.

Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch nhằm hạn chế tối đa các tiêu cực trong quy hoạch như không công bố, công bố chậm, công bố không đầy đủ quy hoạch hoặc từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật Nhà nước; cố ý công bố sai quy hoạch; cố ý cung cấp sai thông tin về quy hoạch; hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu...

Điều 4 Luật Quy hoạch 2017 quy định hàng loạt những nguyên tắc mà hoạt động quy hoạch phải tuân thủ để tránh mang tính "nhiệm kỳ", không đồng nhất, thiếu tính kết nối, tạo lực cản cho quá trình phát triển của từng địa phương và cả nước.

9. Luật Thủy sản 2017

Luật thủy sản 2017 được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2017, được coi là bước ngoặt trong quản lý của ngành thủy sản.

Luật gồm 9 Chương, 105 Điều với điểm mới là quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản, bao gồm toàn bộ dữ liệu ngành về nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, tàu cá… Tất cả thông tin và dữ liệu sẽ được chuẩn hóa, số hóa bằng khoa học công nghệ, được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương, thực hiện theo chủ trương chính phủ điện tử. Các cơ quan hữu quan có thể cập nhật vào cơ sở dữ liệu này để nắm bắt thông tin kịp thời.

Luật cũng quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản - nhà nước giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi... Theo đó, quyền đồng quản lý được quy định rõ gồm hai quyền: Quyền ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm hành chính và quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Các quy định về điều kiện của các cơ sở nuôi trồng thủy sản được rà soát và cắt giảm.

10. Luật Lâm nghiệp 2017

Luật gồm 12 Chương, 108 Điều, quy định về quy hoạch lâm nghiệp; quản lý rừng; bảo vệ rừng; sử dụng rừng; chế biến thương mại, lâm sản; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm.

Điểm đáng chú ý là Luật thay đổi về chế định sở hữu rừng trong Hiến pháp năm 2013. Trước đó, Hiến pháp quy định rừng núi thuộc sở hữu Nhà nước thì Hiến pháp 2013 quy định rõ hơn rừng là tài nguyên thiên nhiên, là tài sản của quốc gia. Việc thể chế hóa nội dung này rất quan trọng để đảm bảo quyền của chủ rừng.

Đồng thời, Luật cũng hướng đến việc quản lý ngành lâm nghiệp theo chuỗi, tức là không chỉ dừng ở bảo vệ phát triển rừng mà quy định cả việc sở hữu rừng bền vững để hướng tới chế biến và tiêu thụ các sản phẩm lâm nghiệp. Trong Luật, từng loại chủ rừng được quy định rõ ràng, theo hướng tăng quyền cho những người trực tiếp bỏ công sức trồng rừng và bảo vệ rừng.

B.H (tổng hợp)