Chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao: Mới chỉ là khởi đầu!
Xe++ - Ngày đăng : 08:13, 05/01/2019
Nhân viên một nhà mạng hướng dẫn khách hàng thực hiện dịch vụ tại điểm giao dịch. |
Như đã thông tin, kể từ ngày 16-11-2018, ba nhà mạng chiếm tỷ lệ thuê bao lớn nhất Viettel, VinaPhone, MobiFone bắt đầu áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao với thuê bao trả sau. Thông tin từ Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuối ngày 16-11-2018 (ngày đầu tiên thực hiện chính sách) cho thấy, lượng thuê bao đăng ký chuyển mạng không nhiều khi chỉ có 266 đăng ký gửi đến Trung tâm chuyển mạng quốc gia. Cũng theo Cục Viễn thông, do đây là ngày đầu tiên áp dụng nên chưa thể đánh giá hết được thị trường. Còn các chuyên gia cho rằng, lượng thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ nguyên số thấp so với kỳ vọng của nhà mạng.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, khi thuê bao đề nghị chuyển mạng giữ số gửi đến Trung tâm chuyển mạng quốc gia không có nghĩa là được chấp thuận ngay. Vì chỉ sau khi nhà mạng kiểm tra và thuê bao không vi phạm một trong các điều kiện như hoàn tất thủ tục về nợ cước, thông tin chính chủ chính xác, thuê bao không vi phạm hợp đồng, không vi phạm cam kết với nhà mạng... mới được chuyển mạng. Thời gian thực hiện chuyển mạng tối đa 2 ngày với thuê bao cá nhân, 3 ngày với thuê bao tổ chức; thời gian bị gián đoạn dịch vụ khi chuyển mạng tối đa là 1 giờ.
Trao đổi với báo chí về việc khách hàng phản ánh nhà mạng gây khó cho thuê bao chuyển mạng giữ số, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cho biết, Bộ đã họp với các nhà mạng để thống nhất lại các quy định. Theo đó, Bộ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ di động phải công khai lý do các trường hợp không đủ điều kiện chuyển mạng giữ số lên website; trường hợp đủ điều kiện không vi phạm thì nhà mạng phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Với trường hợp nhà mạng cố tình gây khó dễ cho thuê bao đề nghị chuyển đổi, cơ quan quản lý sẽ có biện pháp xử lý. Hiện một số thuê bao dùng các gói cước cam kết với nhà mạng nên chưa đủ điều kiện để chuyển mạng giữ nguyên số, phải đợi hết thời hạn cam kết mới thực hiện được. Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết thêm, trong số 3 nhà mạng chiếm tỷ lệ thuê bao lớn nhất thì VinaPhone có lượng thuê bao đăng ký chuyển đến nhiều nhất.
Còn theo đại diện một nhà mạng, sau gần 2 tháng thực hiện chính sách chuyển mạng giữ nguyên số, bước đầu cho thấy, lượng thuê bao chuyển đến tại nhà mạng này nhiều hơn chuyển đi. Tuy nhiên, dù là con số đáng mừng thì cũng chưa nói lên nhiều điều, vì trước hết, kết quả này là do đội ngũ bán hàng đang căng sức làm việc, trong khi đó, đây là chính sách lâu dài. Do vậy, có thể coi việc áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số là cuộc “rượt đuổi” giữa các nhà mạng! Cũng theo đại diện của nhà mạng này, sở dĩ lượng thuê bao chuyển mạng giữ nguyên số chưa gây xáo trộn trên thị trường là vì lượng khách hàng này sử dụng dịch vụ ổn định, lâu dài... Dự đoán, sau khi áp dụng với thuê bao trả trước và cần tới 6 tháng, hoặc ít nhất 3 tháng, thị trường mới được định hình và lúc đó lợi thế thuộc về nhà mạng nào mới rõ rệt.
Chính sách chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao hiện được 110 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng, Việt Nam là nước thứ 4 trong khu vực ASEAN thực hiện. Việc triển khai dịch vụ này nhằm bảo đảm quyền lợi khách hàng, thúc đẩy cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường viễn thông. Theo kinh nghiệm một số nước đã triển khai, trong những ngày đầu sẽ có biến động lớn về thuê bao chuyển mạng nhưng sau đó sẽ ổn định, thường ở mức dưới 5%, phổ biến là 2-4%.