Nhiều khó khăn đặt ra

Đời sống - Ngày đăng : 07:51, 05/01/2019

(HNM) - 2018 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với các cơ quan thuộc hệ thống thi hành án dân sự TP Hà Nội.

Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội tổ chức cưỡng chế thi hành án ngôi nhà tại phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ.


Chưa đạt chỉ tiêu đề ra

Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội Vũ Hồng Dương khẳng định, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức các cơ quan thi hành án dân sự thành phố đã có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai và thực hiện đồng bộ trên tất cả các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, toàn thành phố chỉ hoàn thành chỉ tiêu về việc với tỷ lệ đạt 76,54%, chỉ tiêu về tiền đạt 19,34% (còn thiếu 12,66% so với chỉ tiêu được giao), số việc và tiền tồn chuyển sang năm 2019 đều tăng (việc tồn tăng 27,1%, tiền tồn tăng 46,8%). Đáng chú ý, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng phải giải quyết rất lớn với 3.821 việc, tương ứng số tiền gần 19 nghìn tỷ đồng (chiếm 8% về việc và 71% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết). Song, cơ quan thi hành án mới chỉ xử lý được 356 việc, thu được gần 3 nghìn tỷ đồng.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2018, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã giải quyết đạt giá trị tuyệt đối về việc cao hơn so với năm 2017 (thi hành xong 27.060 việc, tăng 776 việc). Có 3 chi cục hoàn thành 4/4 chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao (Phú Xuyên, Ba Vì, Sơn Tây); có 2 chi cục hoàn thành chỉ tiêu về việc, về tiền (Hai Bà Trưng, Đông Anh)…

Thách thức lớn

Theo đánh giá của các cơ quan thi hành án dân sự, nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả công tác năm 2018 không đạt chỉ tiêu đề ra là do chất lượng cán bộ có nơi chưa đạt yêu cầu, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, phần lớn thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc thi hành án, thậm chí có những trường hợp chống đối quyết liệt. Ngoài ra, những vướng mắc do quá trình điều tra, truy tố, xét xử chưa kịp thời kê biên, ngăn chặn thất thoát tài sản do phạm tội mà có phát sinh ngày càng nhiều...

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội Lê Xuân Hồng dẫn ví dụ trường hợp ông Đinh La Thăng, số tiền phải thi hành án là trên 600 tỷ đồng nhưng tài sản hiện nay chỉ có 1 nhà chung cư. Hay như vụ Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - Chi nhánh Nam Hà Nội bị tuyên buộc liên đới bồi thường gần 1.400 tỷ đồng nhưng đến nay Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội chỉ thu hồi được hơn 1,2 tỷ đồng. Sau khi xác định bà này hết tài sản, cơ quan thi hành án đã ra quyết định “chưa có điều kiện thi hành án số tiền còn lại”.

Một khó khăn nữa là với các bản án liên quan đến tín dụng ngân hàng, do Điều 90 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Điều 11 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 vênh nhau nên các tổ chức tín dụng áp dụng quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 không đồng ý cho cơ quan thi hành án thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản, kể cả trường hợp giá trị tài sản lớn hơn nhiều so với nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Chi cục thi hành án dân sự nhiều quận, huyện còn phản ánh khó khăn do lượng việc và tiền phải thi hành án liên tục tăng dần theo từng năm, trong khi đó biên chế không được tăng, cơ sở vật chất giữ nguyên, thậm chí kinh phí còn giảm... Nhiều vụ việc bán đấu giá tài sản thi hành án không thành, tiến độ giao tài sản cho người trúng đấu giá còn chậm nhưng thiếu chế tài khắc phục.

Với những bất cập nêu trên, chỉ cần các cơ quan phối hợp sơ suất là có thể dẫn đến thất thoát tài sản. Do đó, ông Lê Xuân Hồng đề nghị, trong các vụ đại án hình sự về kinh tế, tham nhũng thì các quy định cần chặt chẽ hơn nữa, bởi các đối tượng là người có chức vụ khiến vụ việc có tính chất phức tạp hơn các vụ án dân sự thông thường.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi đánh giá, Hà Nội có lượng án lớn với tính chất phức tạp, trong khi điều kiện về nhân lực và nguồn lực còn hạn chế, thể chế chưa theo kịp nên công tác thi hành án gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trước mắt, các cấp cần khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự. Từng cơ quan thi hành án phải chủ động trong công tác phối hợp xử lý tài sản đã kê biên, giao tài sản bán đấu giá thành; tranh thủ sự ủng hộ, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị, chính quyền địa phương trong triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án.

Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm theo dõi được toàn bộ hồ sơ thi hành án từ quá trình thụ lý đến tổ chức thi hành và trích xuất báo cáo thống kê số liệu thi hành án dân sự. Từ đó nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành, tạo sự công khai, minh bạch, đồng thời khắc phục được một số bất cập trong công tác phân tích số liệu, thống kê thi hành án dân sự.

Hà Phong