Cải thiện ùn tắc, giảm tai nạn

Giao thông - Ngày đăng : 07:58, 05/01/2019

(HNM) - Hàng loạt nút giao có mật độ lưu thông cao trên địa bàn TP Hà Nội sau khi được các cơ quan chức năng rà soát, bổ sung biển báo, gờ giảm tốc; sơn kẻ lại vạch sơn; điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu hợp lý... đã trở nên thông thoáng.

Các đơn vị thi công xén dải phân cách giữa đường Vành đai 3 để mở rộng mặt đường, kịp hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2019.Ảnh: Nhật Nam


Nhiều “điểm nóng” được giải tỏa

Đi lại hằng ngày qua nút giao thông Nguyễn Khoái - Lãng Yên - Trần Khát Chân, anh Nguyễn Mạnh Thường (26 tuổi, trú ở phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) cho biết, thời gian qua tình trạng ùn tắc tại đây đã giảm hẳn vì ngoài việc lực lượng Cảnh sát giao thông được tăng cường thì đèn tín hiệu giao thông theo hướng Trần Khát Chân - Lãng Yên đã được điều chỉnh tăng thời gian đèn đỏ trong giờ cao điểm.

Cùng nhận định, chị Ngô Thị Thanh (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cho biết, trước đây mỗi lần lưu thông qua cầu Chương Dương vào nội thành trong giờ cao điểm, xe ô tô chiếm hết làn đường nên người đi xe máy buộc phải đi vào làn của ô tô hoặc đi lên vỉa hè đường Nguyễn Văn Cừ. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng cắm biển báo cấm taxi và xe hợp đồng lên cầu Chương Dương trong những khoảng thời gian nhất định, tình trạng ùn tắc đã giảm hẳn.

Hầm chui dân sinh số 3, Đại lộ Thăng Long chỉ cách đường rẽ vào khu vực Thiên đường Bảo Sơn (huyện Hoài Đức) vài chục mét nên hằng ngày thường xuyên có phương tiện đi ngược chiều, gây xung đột giao thông, dẫn đến ùn tắc kéo dài. Đại diện Đội Cảnh sát giao thông số 11 cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về giải quyết điểm đen này, Sở Giao thông - Vận tải đã tổ chức cắm biển cấm và Đội cũng tăng cường cán bộ, chiến sĩ phân luồng nên giao thông tại đây đã thông thoáng, người dân đi lại an toàn, thuận lợi.

Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả

Đó là những khu vực mới nhất được cải thiện tình trạng ùn tắc sau khi liên ngành Giao thông - Vận tải và Công an TP Hà Nội tổ chức rà soát, điều chỉnh. Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, việc rà soát các bất hợp lý về tổ chức giao thông trên địa bàn Thủ đô là cần thiết, được Sở phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Nhờ đó các bất cập mới phát sinh, điểm có nguy cơ ùn tắc mới cũng được cập nhật để kịp thời khắc phục.

Trong tổng số 162 nội dung vừa được Công an thành phố đề xuất nhằm xử lý, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, có tới 146 nội dung liên quan đến vấn đề tổ chức giao thông; 9 nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và 7 nội dung đề xuất về quản lý phương tiện. Trong tổng số 146 nội dung đề xuất về tổ chức giao thông, các đơn vị chức năng của Sở đã rà soát, hoàn thành 91 nội dung, đang triển khai 53 nội dung và nghiên cứu, xử lý 2 nội dung, trong đó chủ yếu là các nhiệm vụ như: Sơn kẻ lại vạch sơn, gờ giảm tốc; bổ sung biển báo chỉ dẫn...

Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người tham gia giao thông, từ ngày 1-1-2019, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội tiếp tục xén hè, mở rộng mặt đường Vành đai 2 và Vành đai 3. Cụ thể, trên đường Vành đai 3 sẽ xén dải phân cách, mở rộng mặt đường Phạm Hùng với chiều dài khoảng 3,22km (điểm đầu tại nút giao Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến, điểm cuối tại nút giao Mai Dịch); mở rộng mặt đường Khuất Duy Tiến với chiều dài 1,895km (điểm đầu tuyến tại nút giao đường Nguyễn Trãi, điểm cuối tuyến tại nút giao với đường Trần Duy Hưng); mở rộng mặt đường Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Xiển với chiều dài hơn 3,16km... Trên đường Vành đai 2 xén hè, mở rộng mặt đường đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở với chiều dài khoảng 4km. Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện quyết tâm thi công hoàn thành trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Riêng về điều chỉnh đèn tín hiệu, Thiếu tá Phạm Quang Minh, Đội phó Đội điều khiển giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội) cho biết, việc này dựa trên cơ sở dữ liệu của hệ thống camera gắn trên các tuyến đường của thành phố. Hình ảnh từ 301/388 nút giao thông có đèn tín hiệu được truyền trực tiếp về Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông, sau đó hệ thống sẽ tự động phân tích và đưa ra cảnh báo như màu đỏ (tắc đường), màu cam (ùn ứ) và màu xanh (bình thường). Trung tâm còn có khả năng kiểm soát, điều khiển linh hoạt tất cả nút đèn tín hiệu giao thông từ trung tâm, tự động điều khiển chu kỳ đèn tín hiệu phù hợp với lượng phương tiện trong từng thời điểm.

Ngoài ra, theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), trong thời gian cao điểm, mật độ lưu lượng giao thông lớn hay tại các nút giao thông đang trong quá trình xây dựng thường xuyên xảy ra ùn tắc, các cán bộ, chiến sĩ trực tại trung tâm sẽ trực tiếp điều chỉnh tăng, giảm thời gian đèn tín hiệu để phù hợp với thực tế. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, cán bộ, chiến sĩ tại trung tâm sẽ trực tiếp liên lạc đến các đội cảnh sát giao thông phụ trách địa bàn, yêu cầu bố trí thêm lực lượng phân luồng. Ngoài hệ thống điều hành giao thông hiện đại và đang tiếp tục được nâng cấp, Phòng Cảnh sát giao thông đã tăng cường lực lượng phân luồng tại các điểm nóng về ùn tắc, đồng thời có những báo cáo chính xác nhất từ hiện trường để phân luồng nhịp nhàng các nút giao thông tại trung tâm thành phố.

Tuấn Lương - Tiến Thành