Đóng cửa chính phủ: Mỹ gánh chịu nhiều tổn thất

Thế giới - Ngày đăng : 22:28, 06/01/2019

(HNMO) - Mâu thuẫn kéo dài đã đặt Chính phủ Mỹ và người dân vào tình trạng chia rẽ sâu sắc...

Đây là lần đóng cửa chính phủ thứ 19 kể từ giữa những năm 1970 tới nay và cũng là một trong những lần đóng cửa kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trước đó, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật cấp ngân sách bao gồm cả khoản kinh phí 5,6 tỷ USD cho dự án xây bức tường biên giới phía Nam (giáp với Mexico) theo đề xuất của Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, dự luật này đã không thể vượt qua "ải" Thượng viện vì sự phản đối của nhiều nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, với quan điểm 1,6 tỷ USD là "giới hạn" mà đảng này có thể chấp nhận cho việc xây tường biên giới. Khi hai bên không tìm được tiếng nói chung, Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần, ảnh hưởng tới khoảng 800.000 nhân viên liên bang. Trong đợt đóng cửa lần này, những đơn vị như Bộ Quốc phòng và dịch vụ Bưu điện của Mỹ vẫn duy trì hoạt động nhờ có ngân quỹ đảm bảo, nhưng ít nhất chín bộ khác phải chịu tác động tiêu cực, như các bộ: An ninh nội địa, Tư pháp, Nhà ở, Nông nghiệp, Thương mại, Nội vụ và Tài chính...

Thực trạng trên đã dẫn tới hoạt động bảo vệ biên giới, hải quan, di trú, tuần duyên và tình báo của Mỹ bị ảnh hưởng. Nhiều nhân viên làm nhiệm vụ thiết yếu thuộc nhóm này và hơn 1,3 triệu quân nhân Mỹ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ nhưng chưa được trả lương. Dịch vụ công từ chính quyền một số thành phố (bao gồm cả thủ đô Washington) cũng tê liệt, như văn phòng cấp phát giấy kết hôn, hệ thống bảo tàng Smithsonian, sở thú quốc gia… Thậm chí, đối với cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), các vệ tinh chưa được phóng sẽ bị đình chỉ cho tới khi nhận được ngân khoản từ chính phủ. Các chuyên gia nhận định, nền kinh tế nước Mỹ sẽ thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu chính phủ đóng cửa trong một tuần. Tuy nhiên, thời gian đóng cửa thực tế đã kéo dài hơn nhiều.

Trong bối cảnh ấy, điều gây nhiều lo ngại hơn cả là mọi nỗ lực nhằm tháo gỡ bế tắc vẫn chưa đem tới thay đổi tích cực nào. Ngày 5-1, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã cùng với Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner và Bộ trưởng An ninh nội địa Kristjen Nielsen tham gia thảo luận với đại diện của đảng Dân chủ nhằm tìm kiếm tiếng nói chung. Tuy nhiên, trong thông báo được đưa ra sau đó, Phó Tổng thống Mike Pence cho biết, dù cuộc gặp diễn ra “hiệu quả” nhưng hai bên vẫn chưa phá vỡ được thế bế tắc. 

Cũng trong thông báo trên, Phó Tổng thống Mỹ đã tái khẳng định quan điểm của Tổng thống Donald Trump về tính cần thiết của việc xây bức tường ở biên giới với Mexico. Tổng thống Mỹ vẫn duy trì quan điểm cứng rắn về vấn đề này, thậm chí tuyên bố sẽ không ký bất kỳ một dự luật ngân sách nào nếu dự luật đó không có tiền cho việc xây tường ngăn biên giới. Trước đó, sau một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ, Tổng thống Mỹ cũng khẳng định, có thể công bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc để có ngân sách xây tường biên giới Mỹ - Mexico mà không cần đến sự thông qua của Quốc hội. 

Theo Thượng nghị sỹ Chuck Schumer, ông chủ Nhà Trắng còn tuyên bố trước các lãnh đạo Quốc hội rằng, chính phủ có thể bị đóng cửa "trong một thời gian rất dài, nhiều tháng hay thậm chí là nhiều năm”. Về phần mình, tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, sẽ tìm giải pháp nhằm vận hành trở lại một số cơ quan thiết yếu của chính phủ, đồng thời ủng hộ các đàm phán tiếp tục để khai thông bế tắc.

Mâu thuẫn kéo dài đã đặt Chính phủ Mỹ và người dân vào tình trạng chia rẽ sâu sắc. Tuy mỗi bên đều có lý lẽ riêng nhưng rõ ràng việc kéo dài mâu thuẫn khiến nền kinh tế và người dân nước Mỹ phải gánh chịu nhiều tổn thất, có thể dẫn tới những hệ quả khó lường. 

Hoàng Linh