Nhật ký về một thời hoa lửa

Sách - Ngày đăng : 07:48, 06/01/2019

(HNM) - “Dốc hôm nay phải vượt đã nâng bước chúng tôi cao hơn tầm của ngàn vạn ngọn núi khác. Từ thế đứng trên cao, chúng tôi nhìn thấy Trường Sơn như sóng dồn bốn phía, mây xanh quyện đầy thung lũng, lững lờ bay. Đứng ở đỉnh dốc hôm nay, chúng tôi mê mải nhìn những cánh chim bay xa vời vợi, từ những ngọn núi mờ xa, chúng tôi thấy thấp thoáng những mảng trời xanh thẳm một màu ước mơ”.

Bìa cuốn “Nơi ấy là chiến trường”, tác phẩm để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng sâu sắc với độc giả.


Tôi đọc được những dòng này trong cuốn nhật ký và ghi chép những năm tháng đi B của tác giả Phạm Quang Nghị, với tựa đề “Nơi ấy là chiến trường”. Đoạn nhật ký trên được tác giả ghi lại vào đúng ngày 19-5-1971 - một tháng sau khi người chiến sĩ trẻ tên Nghị vào đến chiến trường B.

Đọc những dòng ấy chỉ thấy tràn lên một niềm lạc quan, yêu đời. Đọc những dòng ấy ta quyết không hề thấy cái khốc liệt của chiến tranh hay nói cách khác là cái khốc liệt của chiến tranh đã được thi vị hóa, bởi một tâm hồn nồng nhiệt. Ấy cũng là bởi niềm tin, khát khao chiến thắng của người chiến sĩ trẻ và đồng đội - niềm tin ấy đã giúp chúng ta hiểu được tương lai tươi sáng của đất nước, của dân tộc. Dù rằng, ngày mai sẽ còn không ít chông gai. “Đường Trường Sơn có ai đo được. Không có chiều dài, không có chiều rộng. Đâu có giặc là cứ nhằm hướng đó ta mở đường. Ở đâu đi nhanh tới thắng lợi ta mở đường tới đích” - ông ghi lại cái cách mà mình và đồng đội vượt Trường Sơn đi giải phóng dân tộc.

Xa nhà, xa quê, mang trong mình những khát khao cống hiến cháy bỏng, nhưng tình cảm của người chiến sĩ trẻ ấy vẫn luôn hướng về những người thân yêu: “Mẹ! Mẹ! Mẹ ơi… Con gọi từ ngày xa nhà, cho đến hôm nay, từ đỉnh núi cao vời vợi, con tưởng tiếng gọi của con sẽ bay về quê hương, đêm nay sẽ đến tai mẹ. Mẹ thương của con ơi, mẹ cố sống chờ con, con sẽ về với mẹ”. Rồi, “Và còn em ta, đứa em gầy yếu thông minh. Anh ra đi, em có khỏe hơn không? Chắc em sẽ lớn lên nhỉ? Anh cầu mong em sẽ tiếp tục học hành và sẽ trở thành niềm an ủi của mẹ cha”. Chính tình yêu ấy đã giúp ông vượt qua biết bao mưa bom, bão đạn; vượt qua cái khốc liệt đến nghẹt thở của cuộc chiến; vượt qua những cơn sốt rét rừng khiến “Từng tế bào rung lên bần bật”, khiến “Hai lỗ tai cứ âm ỉ như nằm trên miệng tổ giun”. Lạ thay, sốt rét khiến tác giả cảm thấy thân thể “tàn tạ đi nhiều”, nhưng ý chí chiến đấu và chiến thắng kẻ thù lớn của dân tộc thì lại tỷ lệ nghịch với nỗi đau thể xác. Người chiến sĩ trẻ Phạm Quang Nghị viết: “Ta phải chiến thắng gian lao, phải đi tới đích”. Có lẽ ông đã nói lên tâm trạng của đại đa số những người chiến sĩ trẻ lên đường đi B thời điểm đó, trong đó có bản thân mình. Trong hành trang của người chiến sĩ trẻ, ngoài chút tư trang cá nhân là một quyển sổ, một cây bút và cả trời ước mơ, thương nhớ gửi về quê hương.

Năm 1973, khi cuộc chiến đang dần đi vào những ngày quyết định, khi mà Hiệp định Paris đã làm thay đổi căn bản cục diện cuộc chiến ở miền Nam, người chiến sĩ trẻ Phạm Quang Nghị cùng đồng đội đi sâu vào vùng địch hậu. Bất chấp những cơn sốt rét về chiều cứ vài ngày lại hành hạ thân xác, song với tình cảm của những bác Năm, chú Ba, chị Tư hay của em giao liên… anh cùng với đồng đội đã sống trong lòng địch với sự chở che của người dân Đồng Tháp, để rồi có thể cười ngạo nghễ trước nỗi lo sợ của quân địch: “Từ hai phía đầu và cuối ấp, súng bót cứ bắn rộ lên mỗi lần lính đổi phiên gác. Có thằng lính nhịp cò như điệu trống đưa ma. Thỉnh thoảng vẳng lại tiếng kêu: “Bắn đi, nó đó”, “Việt cộng đó, một thằng, hai thằng”… “Nó đó”. Quân thù run sợ tha hồ hù dọa bóng đêm. Việt cộng là tôi và anh Đông Hải đang ở đây”…

Cứ như thế, bằng giọng văn ghi chép không cầu kỳ, không lên gân và rất đỗi chân thực, người chiến sĩ Phạm Quang Nghị đã ghi lại những gì ông thấy, ông biết, ông nghe được trên suốt dọc đường hành quân từ Bắc vô Nam; những gì ông đã trải qua trong năm tháng sống giữa lòng địch, cùng đồng đội góp phần tổ chức các cuộc đấu tranh du kích của đồng bào miền Đông cũng như miền Tây Nam Bộ theo cách riêng của một người chiến sĩ làm công tác tuyên giáo. Cứ thế, ông cùng với các đồng đội và nhân dân vùng địch hậu đi qua những năm tháng chiến tranh ấy nhẹ nhàng, tựa như lông hồng và đến ngày toàn thắng: “Trong ngày đại thắng, con ngắm trời Việt Nam. Sau trận mưa ngọt ngào, trời cao trong hơn, xanh thắm hơn và mây trắng tưởng như cũng bay thành đội ngũ cùng hành quân ra trận”. Chiến thắng ấy ngọt ngào biết bao, nhưng ông và đồng đội cũng như nhân dân khắp nơi đã phải đánh đổi bằng không biết bao nhiêu máu xương, bao nhiêu nước mắt, nhưng không hề có sự bi lụy.

Khép lại trang cuối cùng của cuốn nhật ký, ghi chép dày gần 500 trang, cảm giác về một thời hoa lửa đã qua mà tác giả mang lại cho người đọc qua từng con chữ thật là sống động. Những nhân vật mà tác giả gặp trên đường hành quân là những con người dễ mến, dễ gần và những câu chuyện được ông ghi lại cho thấy các chi tiết ngồn ngộn và chất sử thấm đẫm trong những câu chuyện, chi tiết. Chính điều đó càng giúp cho người đọc cảm thấy những biện pháp tu từ là không cần thiết, không những thế nó còn có thể làm hỏng đi cái khốc liệt hay cái nét trữ tình trong chính sự khốc liệt mà cuộc chiến đòi hỏi tác giả và đồng đội của ông phải đối mặt.

Đúng như tự bạch của tác giả ở đầu sách, những trang ghi chép ngày ấy có sức hút kỳ lạ. Đọc để chiêm nghiệm những gì thế hệ cha anh đã trải qua và đọc để thấy những chứng cứ xác thực về cuộc chiến “có một không hai” của dân tộc, của nhân dân Việt Nam.

Rất may cho chúng ta, khi tác giả sau những lần tìm kiếm tư liệu cho những bài viết về cuộc chiến này đã quyết định công bố bản thảo những ghi chép xưa. Nói như tâm sự của ông: “Nếu thời gian không làm cho những cuốn sổ ghi chép mỗi ngày thêm hư hỏng, mục nát thì chắc là tôi vẫn để cho chúng nằm yên nơi góc tủ”. May mắn cho chúng ta và cả thế hệ hậu sinh khi ông quyết định công bố những khoảnh khắc rất đáng nhớ, rất cần phải nhớ ấy trong một quãng dài của lịch sử dân tộc, nơi mà những kỷ niệm gắn với những vùng đất, những con người tác giả đã từng gặp, “về cuộc sống, chiến đấu hết sức hào hùng và tài trí của nhân dân ta”. Gấp lại cuốn sách “Nơi ấy là chiến trường”, ta thêm một lần cảm ơn tác giả đã cho chúng ta được sống lại những ngày tháng năm xưa; sống lại cảm xúc của một thời chưa quá xa, nhưng cũng không còn gần nữa. Và, nếu không có ghi chép này cũng như ghi chép của những nhà văn, người chiến sĩ thời hoa lửa ấy, làm sao thế hệ trẻ có thể biết tường tận về một thời cha anh chúng ta đã sống, đã yêu, đã chiến đấu vì mảnh đất này.

Tô Văn Động