Tập trung thu hút đầu tư ngay từ những ngày đầu năm

Kinh tế - Ngày đăng : 06:34, 07/01/2019

(HNM) - Năm 2018 đã đi qua, với dấu ấn về kết quả thu hút vốn đầu tư, từ khu vực tư nhân trong nước và vốn đầu tư nước ngoài. Đây sẽ là hành trang đáng kể để bước vào năm kế hoạch mới...

Năm 2018, Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ trong thu hút nguồn vốn FDI. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Panasonic Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội).Ảnh: Nhật Nam


Nhận diện thực trạng, thách thức

Năm qua, nền kinh tế có thêm hơn 131 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn 1.478 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm trước, cho thấy kết quả đáng ghi nhận trong thu hút đầu tư. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân và chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương tích cực vào cuộc để hiện thực hóa mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Những thực tế trên cho thấy quyết tâm tiếp tục đổi mới, hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" của Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm 2019.

Trước hết, cần khẳng định, kết quả thu hút đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện, mức độ cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp. Song, đó lại là mục tiêu không dễ dàng, bởi hiện vẫn còn một số thách thức, khó khăn cả về chủ quan, khách quan cần nhận diện, khắc phục sớm. Về chủ quan, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), mặc dù Chính phủ đã tập trung hành động vì doanh nghiệp và lòng tin của doanh nghiệp đối với Chính phủ, với tương lai kinh doanh đã tốt lên, nhưng việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh không dễ dàng.

Cụ thể, trong số 5.200 điều kiện kinh doanh cần rà soát để phát hiện sự bất hợp lý nhằm bãi bỏ thì có gần 3.000 điều kiện chưa có động thái thay đổi. Số còn lại đã được các cơ quan chức năng, có thẩm quyền xem xét, đơn giản hóa bằng nhiều hình thức và đã có 542 điều kiện được sửa đổi; bãi bỏ và bổ sung 771 điều kiện, thay thế 98 điều kiện, bổ sung mới 29 điều kiện. Một số bộ có kết quả cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh tốt như các bộ: Công Thương, Thông tin và Truyền thông..., nhưng cũng có đơn vị thực hiện chưa tốt như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Rõ ràng, các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng chưa đạt kết quả tương đồng; điều đó có thể dẫn đến sự bất cập, gây giảm sút hiệu quả trong việc phối, kết hợp giữa các bộ, ngành trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cắt bỏ điều kiện kinh doanh tuy khó nhưng bắt buộc phải làm, vì người dân, doanh nghiệp...

Về khách quan, Việt Nam đã bước vào thời điểm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với một số yêu cầu và thách thức; gắn liền với việc thuế suất hàng xuất khẩu hạ xuống 0%.

Theo ông Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương), đây là hiệp định mới, có phạm vi cam kết rộng hơn, mức độ thực thi cao hơn, thời gian thực hiện ngắn hơn, nên thách thức chắc chắn sẽ lớn hơn so với các hiệp định khác.

"Vì vậy, các bên liên quan cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để tham gia trong chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ. Cần xác định rằng, nếu chúng ta không chuẩn bị tốt thì mặc dù có cơ hội lớn nhưng không tận dụng được sẽ lập tức rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh từ các quốc gia thành viên trong CPTPP; nhất là khi mà họ có trình độ phát triển cao hơn, sự chuẩn bị tốt hơn chúng ta", ông Khôi cảnh báo.

Một số mặt hàng có thế mạnh của các thành viên CPTPP sẽ được tăng cường xuất khẩu vào Việt Nam như cá hồi nước ngọt, phân bón, sắt thép, nông sản ôn đới, thiết bị máy móc chính xác... và cạnh tranh gay gắt với hàng trong nước.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Dây chuyền sản xuất điện thoại tại Công ty Samsung Việt Nam. Ảnh: Hải Anh


Từ thực tế trên, Chính phủ tập trung thu hút đầu tư trong nước theo tinh thần khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng kinh tế và từ đó kiên trì thực hiện các giải pháp phục vụ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng như hoạt động hiệu quả.

Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu vẫn là tăng tốc cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thời gian thực hiện quy định nhà nước cho doanh nghiệp. Mỗi địa phương cần chủ động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao thứ hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp. Kết quả thực hiện được gắn liền với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo cơ quan chức năng.

Một số địa phương tiêu biểu trong hỗ trợ doanh nghiệp cần được nhân rộng trong thời gian tới. Theo bà Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), hiện việc đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng đạt 100%, kê khai thuế điện tử cũng đạt trên 98% và hướng tới mục tiêu 100% trong thời gian tới. Việc đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện các quy định cũng như cung cấp dịch vụ tiện ích và các ưu đãi sẽ là điều kiện thuận lợi để huy động vốn tư nhân.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền các nội dung liên quan đến CPTPP, lợi ích và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tham gia vào “cuộc chơi” này; trong đó nhấn mạnh yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn và chất lượng hàng tiêu dùng; nhất là đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, dù Việt Nam đạt kết quả đáng ghi nhận trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn cần tập trung cho mục tiêu tăng cường chất lượng hoạt động này. Việt Nam nên khuyến khích các dự án đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững của mình. Cụ thể, ưu tiên dự án thuộc lĩnh vực chế tạo, tin học-công nghệ thông tin, dược phẩm, vật liệu mới, du lịch... từ các tập đoàn, đối tác quốc tế có tiềm năng về vốn, thế mạnh công nghệ.

Hồng Sơn