Biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Campuchia

Chính trị - Ngày đăng : 07:03, 07/01/2019

(HNM) - Lịch sử đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Campuchia, vốn đã đầy ắp những sự kiện, càng trở nên phong phú, sinh động với chiến thắng ngày 7-1-1979.


Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, những tưởng nhân dân Campuchia được hưởng cuộc sống hòa bình, nhưng chính quyền Khmer Đỏ do Tập đoàn phản động Pol Pot đứng đầu đã thi hành một chính sách đối nội phản động, gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Đời sống xã hội bị đảo lộn, các giá trị văn hóa truyền thống bị xóa bỏ, hàng triệu người Campuchia bị giết hại dã man mà không cần xét xử.

Cả nước bao trùm lên không khí đau thương: “Không tự do đi lại, không tự do hội họp, không tự do ngôn luận, không tự do tín ngưỡng, không tự do học hành, không tự do hôn nhân, không bệnh viện, không tiêu tiền, không buôn bán, không chùa chiền… và không có cả nước mắt để khóc trước cảnh đau thương của dân tộc. Chỉ còn căm thù và uất hận”.

Về chính sách đối ngoại, được các thế lực phản động nước ngoài hậu thuẫn, Tập đoàn phản động Pol Pot chủ trương phá nát mối quan hệ đoàn kết, ra sức kích động thù hằn dân tộc chống Việt Nam. Khi đất nước Việt Nam vừa thống nhất, Tập đoàn phản động Pol Pot đã cho quân đánh chiếm đảo Phú Quốc (ngày 3-5-1975) và Thổ Chu (ngày 10-5-1975). Mặc dù bị phản đối quyết liệt, nhưng quân Pol Pot không chịu rút khỏi các vị trí đã chiếm trên đất Việt Nam. Trước tình hình đó, với quyết tâm bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, quân dân Việt Nam buộc phải đánh đuổi quân Pol Pot ra khỏi biên giới lãnh thổ.

Về phía cách mạng Campuchia, sau một thời gian tích cực xây dựng lực lượng, ngày 2-12-1978, tại vùng giải phóng Snun, tỉnh Krachie, Đại hội đại biểu thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được tổ chức. Sau khi ra đời, Mặt trận đề nghị Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia, bởi đó “không phải chỉ cứu giúp mấy vạn người tỵ nạn mà phải cứu giúp cả một dân tộc”.

Là nước láng giềng gần gũi, có nhiều điểm tương đồng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt là đã nhiều lần cùng chung vận mệnh lịch sử với Campuchia, trước hành động gây hấn ngày một tăng của quân Pol Pot, ngày 15-6-1978, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Việt Nam họp, thống nhất nhận định: Tập đoàn Pol Pot với sự xúi giục và ủng hộ của thế lực nước ngoài đã phản bội sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia, phản bội Việt Nam, gây nên thảm họa diệt chủng tàn bạo ở trong nước và cuộc chiến tranh chống Việt Nam.

Từ đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Việt Nam xác định mục tiêu của lực lượng vũ trang trong nước lúc này là “tiêu diệt và làm tan rã cho được một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh gãy xương sống của tập đoàn phản động Campuchia; tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cách mạng chân chính của Campuchia phát triển về mọi mặt, tiến lên đánh đổ tập đoàn phản động cầm quyền, bảo vệ độc lập, chủ quyền và chủ nghĩa xã hội ở Campuchia”.

Tiếp đó, ngày 27-7-1978, tại Hội nghị lần thứ tư (khóa IV), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về vấn đề Việt Nam - Campuchia, chỉ rõ: “… Phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia xóa bỏ nguồn gốc trực tiếp của chiến tranh, đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng…”.

Thực hiện quyết tâm đó và theo đề nghị của cách mạng Campuchia, từ cuối năm 1978 đầu 1979, quân tình nguyện Việt Nam bao gồm các quân đoàn 2, 3, 4 và một số đơn vị của các quân chủng: Hải quân, Phòng không - Không quân; các quân khu 5, 7, 9 thực hiện nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia mở cuộc phản công, tiến công quân Pol Pot trên nhiều hướng.

Đặc biệt, quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về giải phóng Phnom Penh trước ngày 8-1-1979 - tức là trước khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bàn về vấn đề Campuchia. Đồng thời, căn cứ vào tình hình trên chiến trường, hướng Quân đoàn 4 đang gặp khó khăn, tiền phương Bộ Quốc phòng đã quyết định bổ sung nhiệm vụ và chuyển hướng tiến công của Quân khu 9 đang phát triển thuận lợi thành hướng tiến công chủ yếu.

Theo đó, ngày 5-1-1979, các đồng chí: Lê Đức Thọ, Lê Trọng Tấn và Lê Đức Anh thay mặt Quân ủy Trung ương và tiền phương Bộ Quốc phòng đến Chi Lăng (nơi đóng Sở chỉ huy Quân khu 9) họp và thống nhất giao nhiệm vụ bổ sung cho Quân khu. Trên cơ sở bàn bạc kỹ lưỡng, ngày 6-1-1979, tiền phương Bộ Quốc phòng ra lệnh cho các đơn vị mở cuộc tổng công kích vào Thủ đô Phnom Penh. Đến 17 giờ, ngày 7-1-1979, Phnom Penh hoàn toàn giải phóng với sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của quân dân Việt Nam. Chiến thắng này đã kết thúc ba năm, tám tháng, hai mươi ngày nhân dân Campuchia sống trong địa ngục trần gian.

Điều này đã được nhấn mạnh trên Báo Pro-chia-chuôn (Nhân dân) Campuchia: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”. Còn Quốc vương Xihanúc khẳng định: “Nếu họ (Việt Nam) không đánh đuổi bọn Pol Pot thì tất cả mọi người (Campuchia) có thể đã bị chết. Không chỉ riêng tôi mà là mọi người. Chúng (Khmer Đỏ) đã có thể giết chết tất cả chúng ta, ít nhất thì chúng ta cũng đã được sống sót và chính vì điều này mà chúng ta có thể nói rằng, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia đã không mắc sai lầm (khi đề nghị Việt Nam giúp đỡ chống Khmer Đỏ), bởi vì nếu chúng ta không được giải phóng khỏi bọn Pol Pot thì toàn dân tộc có thể đã bị tiêu diệt”.

Trong chuyến thăm Việt Nam (tháng 10-2005), Thủ tướng Hun Sen phát biểu: “Tôi xin phép được bày tỏ lòng kính trọng đến nhân dân Việt Nam, những gia đình có cha mẹ, vợ chồng, anh em đã hy sinh trong sự nghiệp giúp đỡ sự hồi sinh của nhân dân Campuchia và tôi xin phép được khẳng định nếu không có ngày 7-1-1979, nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay... Chúng ta có thể hỏi rằng, trên thế giới này có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay trở lại của chúng? Câu trả lời chính là Nhân dân và Quân đội Việt Nam”.

40 năm trôi qua, Chiến thắng ngày 7-1-1979 vẫn luôn là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Campuchia. Phát huy truyền thống đó, ngày nay hai nước đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực. Về chính trị, ngoại giao, hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và giao lưu nhân dân hai nước. Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình khoảng 30% đến 40%/năm; chỉ tính riêng trong 7 tháng năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 18,7 % so với cùng kỳ năm 2017.

Cùng với đó, hợp tác quốc phòng, an ninh, giáo dục - đào tạo… tiếp tục phát triển. Đó là minh chứng sống động về mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Campuchia không ngừng phát triển. Đồng thời, qua đó bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng hai nước, không ngừng vun đắp hơn nữa cho mối quan hệ này phát triển tốt đẹp - mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và Campuchia, vì hòa bình, phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu