Có tiền, phải biết cách tiêu
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:26, 08/01/2019
Nhìn chung, đây là sự kiện quan trọng đối với ngành Du lịch, bởi nếu quỹ này vận hành tốt, một số mặt hạn chế của ngành sẽ được khắc phục, đặc biệt là về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch vốn thường xuyên gặp khó khăn do thiếu kinh phí. Nói vậy là bởi trong nhiều năm qua, dù xác định rõ quảng bá, xúc tiến du lịch là mảng việc quan trọng trong hành trình hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là về kinh phí, phần việc này chưa được thực hiện một cách bài bản, hiệu quả chưa xứng với yêu cầu đề ra.
Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và căn cứ vào tình hình thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà còn nhìn vào cách thức tổ chức hoạt động này ở các quốc gia thu hút nhiều khách du lịch quốc tế, dễ thấy kinh phí chỉ là một trong nhiều yếu tố tác động đến hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch. Nhiều năm qua, tại Việt Nam, tuy đã có sự cải thiện đáng kể về nhận thức chung, về tổ chức các chương trình, sự kiện liên quan với sự tham gia của doanh nghiệp lữ hành và đại diện đơn vị sở hữu sản phẩm du lịch nổi tiếng, hoạt động này được nhận xét là vẫn chưa thể hiện rõ tính chuyên nghiệp. Điều này thể hiện ở cách thức hoạt động “mạnh ai nấy làm” tại nhiều địa phương, doanh nghiệp, tính kết nối không cao, thiếu tính dự báo trên cơ sở phân tích thị trường kỹ lưỡng…
Như vậy, có thể khẳng định việc xuất hiện của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng, nhưng để Quỹ hoạt động hiệu quả, mang lại chuyển biến rõ nét về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch nói riêng và sự phát triển của du lịch Việt Nam nói chung thì cần có nhiều giải pháp đi kèm. Để có được điều đó, trước hết cần phải trả lời đúng câu hỏi về trọng tâm đầu tư, trên cơ sở xác định rõ hơn về thị trường trọng điểm cần tập trung quảng bá, xúc tiến và đưa ra dự báo về sự thay đổi có thể xảy ra. Những hội thảo, hội nghị chuyên đề được tổ chức nhờ kinh phí từ Quỹ cần phải hướng vào mục tiêu làm rõ những yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch ở nước ngoài, chẳng hạn như về sản phẩm du lịch đặc trưng, những điểm đến hàng đầu, đặc điểm thị trường trọng điểm, dự báo thị trường tiềm năng…
Điều cần thực hiện cho được, để không hoang phí khoản đầu tư dành cho quảng bá, xúc tiến du lịch, là xây dựng hệ thống dữ liệu về các thị trường có ảnh hưởng lớn tới du lịch Việt Nam, từ đó đề ra phương án xây dựng sản phẩm phù hợp cũng như xác định giải pháp quảng bá cụ thể cho từng thị trường. Dữ liệu cần được cập nhật thường xuyên, trên cơ sở đó xác định hoặc đưa ra dự báo về sự thay đổi, những xu hướng mới làm tiền đề cho sự điều chỉnh cần có.
Với sự xuất hiện của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam và nhiều yếu tố khác, có thể nguồn kinh phí dành cho du lịch nói chung không còn eo hẹp như trước nữa. Vấn đề lúc này là bỏ tiền vào đâu, tiêu thế nào để có được hiệu quả tối đa.