Đến năm 2025, các cơ sở sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới về môi trường

Công nghệ - Ngày đăng : 10:39, 08/01/2019

(HNMO) - Sáng 8-1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của ngành Tài nguyên và Môi trường.

Đồng chủ trì Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự và tham luận tại Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự, chủ trì và chỉ đạo hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm qua toàn ngành đã bám sát phương châm chỉ đạo “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Thủ tướng Chính phủ, từng bước chuyển hóa thách thức thành cơ hội, tập trung tháo gỡ các rào cản, giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực.

Ngành Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhiều chỉ tiêu khác về môi trường đều có chuyển biến tích cực; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đi vào vận hành, đóng góp cho tăng trưởng; nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, giảm đáng kể thiệt hại về người và vật chất do thiên tai so với năm 2017; các chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân, chỉ số cải cách hành chính… đều tăng.

Về kế hoạch năm 2019 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, toàn ngành đặt quyết tâm cao để tạo đột phá, tăng tốc phát triển, phấn đấu hoàn thành một số mục tiêu: 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hoàn thành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, trong đó yêu cầu 100% các cơ sở sản xuất đầu tư mới phải đáp ứng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mới, lộ trình đến năm 2025, toàn bộ các cơ sở sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới.

80% tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh được thu gom vận chuyển và xử lý, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường.

Nguồn thu từ đất đai chiếm 12% thu ngân sách nội địa; có cơ chế giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài về đất đai; hoàn thành sắp xếp vấn đề đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp, góp phần giải quyết vấn đề di dân tự do.

62% hồ chứa quan trọng trên các lưu vực sông vận hành theo cơ chế phối hợp liên hồ; 55% số trạm quan trắc khí tượng thủy văn được tự động hóa. 28% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000 tài nguyên, môi trường biển; 70% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000; hơn 50% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành điều tra tài nguyên đất...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham luận tại Hội nghị.


Tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn TP Hà Nội gặp nhiều thách thức, nhiều việc cần làm như: Công tác cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân sau dồn điền đổi thửa; giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp; các điểm xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp, công tác thu gom còn thủ công... 

Tháo gỡ khó khăn, Hà Nội đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, đến nay, thành phố đã tiến hành số hóa toàn bộ dữ liệu về đất đai, phấn đấu hoàn thành trong năm 2019; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất dịch vụ cho người dân, đến nay đã bàn giao được trên 400ha, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6-2019; hỗ trợ các huyện, thị xã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, đã hoàn thành trên 99% số giấy cần cấp...

Hà Nội cũng đã tiến hành cơ giới hóa công tác thu gom vận chuyển, xử lý rác thải và đang đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện; triển khai lắp đặt các trạm quan trắc không khí, quan trắc nước, thông báo trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm được.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đánh giá lại ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy... trên cơ sở đó, hỗ trợ các nguồn lực để xử lý ô nhiễm các dòng sông. Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn trong tính giá dịch vụ đối với các nhà máy xử lý nước thải; trong đấu thầu đất xen kẹt... 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện tốt việc cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về đất đai. Đặc biệt, Bộ đã giải quyết công tác cấp giấy chứng nhận đạt trên 97%; làm tốt công tác dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo sớm được các xu thế thời tiết; góp phần vào công tác phòng chống thiên tai...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương một số địa phương có nhận thức và biện pháp triển khai hiệu quả công tác tài nguyên và môi trường như: Hà Nội, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Quảng Nam... 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại của ngành, đó là tình trạng còn một bộ phận cán bộ quan liêu, xa dân; vấn đề rác thải nhựa, việc phế liệu nhập khẩu tồn đọng, các khiếu kiện về đất đai còn nhiều, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn một số sai phạm, nổi cộm; nhiều nơi còn ô nhiễm môi trường; các giải pháp tổng thể để xử lý vấn đề biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề mang tính liên ngành chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ...

"Ngành Tài nguyên và Môi trường cần ứng dụng khoa học công nghệ nhanh hơn, mạnh hơn; cần tìm tòi và có cách làm tốt hơn, hiệu quả hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi phía Bắc...", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về tài nguyên và môi trường; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh quản lý tài nguyên môi trường biển, hải đảo, quản lý tài nguyên khoáng sản...

Nguyễn Mai