Cú hích cho ngành công nghiệp không khói

Du lịch - Ngày đăng : 06:24, 08/01/2019

(HNM) - Từ tháng 2-2019, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam sẽ đi vào hoạt động. Đây là tin vui với những người trong ngành Du lịch và kỳ vọng là cú hích mới cho ngành công nghiệp không khói.

Sử dụng Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch hiệu quả là điều kiện tốt để ngành Du lịch đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Ảnh: Bá Hoạt


Một trong những điểm nghẽn của du lịch Việt Nam là quảng bá, xúc tiến du lịch chưa tốt. Nguồn kinh phí khoảng 2 triệu USD một năm mà Tổng cục Du lịch sử dụng để xúc tiến, quảng bá là quá khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực. Việc Hà Nội chi không ít tiền để quảng bá hình ảnh Thủ đô thông qua kênh truyền hình CNN quốc tế cũng chỉ giải quyết được vấn đề của du lịch Thủ đô.

Tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam - 2018, câu chuyện xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam đã chiếm thời lượng lớn trong phiên trao đổi của các nhà quản lý, học giả. Theo ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh, trước tiên, những người làm du lịch cần làm cho quốc gia trở lên nổi tiếng và đưa Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với bạn bè thế giới. Phải làm thế nào để cho du khách chọn lựa Việt Nam, thay vì quốc gia khác. Thế nhưng, khoản kinh phí 2 triệu USD là quá nhỏ nếu so sánh với con số từ 60 triệu USD đến hơn 80 triệu USD/năm mà Malaysia, Thái Lan… dành cho xúc tiến, quảng bá du lịch. Với việc thu hút 15,5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, ngành Du lịch chỉ chi từ 0,13 đến 0,15 USD cho xúc tiến, quảng bá để có một khách quốc tế. Trong khi đó, con số này ở Thái Lan là 2 USD.

Ông John Lindquist cho biết, trên bảng xếp hạng về hiệu quả quảng bá cho du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ đứng thứ 80/136 quốc gia. Điều này đã chỉ rõ hạn chế của xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam. Để có thể làm tốt hơn công tác quảng bá, du lịch Việt Nam cần tối thiểu từ 20 triệu USD đến 30 triệu USD/năm.

Tại diễn đàn này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra hướng giải quyết là tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Song, tìm được nguồn kinh phí vẫn là yếu tố đầu tiên cần tính đến.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, sự ra đời của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch sẽ giải quyết được phần lớn bài toán xúc tiến, quảng bá du lịch. Từ khi ban hành Luật Du lịch năm 2005, Quỹ Xúc tiến du lịch đã được đề cập, nhưng do thiếu cơ chế, hành lang pháp lý, nên vẫn chưa thể ra đời. Trong Luật Du lịch sửa đổi năm 2017, Quỹ được đổi tên thành Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Việc Chính phủ thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vào tháng 12-2018 là bước đi quan trọng để du lịch Việt Nam có điều kiện tiếp cận nhiều du khách quốc tế hơn, để họ quay lại Việt Nam nhiều hơn.

Nhiều kỳ vọng

Quảng bá sản phẩm trong lễ hội Du lịch làng nghề lụa Vạn Phúc. Ảnh: Bá Hoạt


Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, kinh phí hằng năm do trung ương cấp bằng 10% tổng số thu nộp ngân sách từ nguồn thu phí cấp thị thực, các giấy tờ liên quan đến xuất, nhập cảnh cho người nước ngoài và bằng 5% tổng số thu nộp ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí tham quan; nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác. Dù chưa có con số cụ thể, nhưng rõ ràng, kinh phí xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ các hoạt động đào tạo của ngành Du lịch sẽ tăng đáng kể và chắc chắn sẽ vượt 2 triệu USD.

Theo bà Phi Thị Thu Khuyên, Phó Trưởng phòng Tiếp thị - Truyền thông (Công ty Du lịch Vietrantour), việc Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam đi vào hoạt động từ tháng 2-2019 sẽ giúp đầu tư đúng hướng để thúc đẩy quảng bá, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường tiềm năng. Còn ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nhận định: “Đây là bước tiến lớn của ngành Du lịch. Từ đây có thể hy vọng du lịch Việt Nam sẽ phát triển bền vững và thu hút nhiều khách du lịch hơn”.

Bà Phi Thị Thu Khuyên cho rằng, để Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam hoạt động hiệu quả, đơn vị quản lý quỹ cần đưa ra kế hoạch phân bổ ngân sách cho từng hạng mục xúc tiến theo sản phẩm, thị trường và các hoạt động phát triển du lịch phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch; đồng thời, có quy trình giám sát, đánh giá hiệu quả các hạng mục khi thực hiện và xem xét việc đầu tư cho giai đoạn tiếp theo. Chẳng hạn, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, Thái Lan luôn có hạn mức ngân sách khai thác từ quỹ phát triển du lịch của nước họ tài trợ cho các công ty du lịch tại các thị trường khách trọng điểm, nhằm quảng bá các tour mới hoặc tour theo chủ đề… Còn theo ông Phùng Quang Thắng, việc xúc tiến, quảng bá vẫn phải có trọng điểm, xác định thị trường cụ thể, có định hướng giá trị rõ ràng và các giá trị cần khai thác để đáp ứng thị trường khách mà mình đang xúc tiến, quảng bá.

Có thể khẳng định, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch ra đời là điều kiện cần để nâng tầm du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn cần điều kiện đủ là khả năng vận hành, nhằm đáp ứng yêu cầu. Đấy mới là yếu tố quan trọng để Quỹ thực sự mang đến cú hích mới cho ngành công nghiệp không khói ở Việt Nam.

Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam, nguồn kinh phí của Quỹ dùng để chi cho hoạt động nghiệp vụ, bao gồm: Xúc tiến, quảng bá du lịch; tham dự hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài; phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch liên quốc gia, khu vực và quốc tế; tổ chức hội nghị, hội thảo, họp báo và các sự kiện xúc tiến du lịch Việt Nam ở trong nước và nước ngoài... 

Ngoài ra, kinh phí của quỹ còn để hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch khác như: Nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; truyền thông du lịch trong cộng đồng.

Minh An