Tăng thu nhập, tăng hiệu quả
Chính trị - Ngày đăng : 06:50, 08/01/2019
Nhiều cán bộ hoạt động không chuyên trách cho rằng nên sắp xếp lại theo hướng kiêm nhiệm. Trong ảnh: Một buổi họp bầu tổ trưởng tổ dân phố tại quận Long Biên. |
Bộ máy cồng kềnh
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, quận Long Biên đã nghiên cứu, khảo sát toàn diện về lực lượng hoạt động không chuyên trách ở cả 14 phường và 294 tổ dân phố với tổng số 3.626 người. Kết quả cho thấy, ở phường, số giờ làm việc bình quân của 3/16 vị trí nhiều việc nhất là 120 giờ/tháng; 13/16 vị trí còn lại chỉ 47 giờ/tháng. Cá biệt, có những vị trí không chuyên trách như nhân viên đài truyền thanh mỗi ngày chỉ làm việc khoảng 1 giờ. Ở tổ dân phố, số giờ làm việc của các vị trí như bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận bình quân khoảng 81 giờ/tháng; các vị trí còn lại khoảng 29 giờ/tháng.
Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên Đỗ Mạnh Hải, kết quả khảo sát cũng cho thấy, 71% người hoạt động không chuyên trách các phường đánh giá, mô hình người hoạt động không chuyên trách hiện rất cồng kềnh...
Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải cho biết, năm 2018, toàn thành phố có 71.308 người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố được hưởng phụ cấp với tổng kinh phí chi hỗ trợ hơn 854 tỷ đồng. Mặc dù Hà Nội đã áp dụng mức phụ cấp cao nhất theo quy định chung của cả nước, nhưng mức được hưởng của mỗi người hoạt động không chuyên trách vẫn rất thấp, dao động từ hơn 2,5 triệu đồng đến chưa đầy 500 nghìn đồng/tháng.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, nếu thực hiện tốt mô hình kiêm nhiệm, vừa tinh gọn bộ máy tổ chức, vừa tăng thu nhập cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ đem lại nhiều ích lợi.
Khẳng định tính khả thi
Theo Bí thư Quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải, được lãnh đạo Thành ủy giao nhiệm vụ từ tháng 8-2018, sau hơn 2 tháng, quận Long Biên đã cơ bản xây dựng xong Đề án thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy, người hoạt động không chuyên trách phường, tổ dân phố trên địa bàn.
Từ kết quả nghiên cứu, khảo sát, quận đã đề xuất phương án thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy, người hoạt động không chuyên trách phường, tổ dân phố. Cụ thể, với lực lượng không chuyên trách ở phường, trước hết là 3 vị trí có số giờ làm việc khoảng 120 giờ/tháng thì giữ nguyên; 13 chức danh còn lại sẽ được ghép tùy đặc thù của mỗi phường, nhưng còn lại không quá 7 chức danh. Như vậy, mỗi cơ quan phường sẽ giảm từ 16 xuống còn 10 chức danh người hoạt động không chuyên trách; toàn quận giảm được khoảng 100 người, giảm khoảng 1 tỷ đồng kinh phí chi hỗ trợ/năm. Thu nhập của người không chuyên trách cũng sẽ tăng lên nhờ kiêm nhiệm do mỗi chức danh kiêm nhiệm được hưởng 70% phụ cấp chức vụ kiêm nhiệm.
Đối với tổ dân phố, trước khi sắp xếp theo đề án, quận sẽ rà soát, điều chỉnh quy mô tổ dân phố theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31-8-2012 về “Tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố”. Dự kiến, số lượng tổ dân phố sẽ giảm từ 294 xuống còn 180. Cùng với việc sắp xếp theo đề án, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố toàn quận sẽ còn khoảng 1.100 người, giảm trên 2.000 người và giảm khoảng 10 tỷ đồng kinh phí chi hỗ trợ/năm. “Hiện nay, với sự ủng hộ của chính lực lượng hoạt động không chuyên trách ở phường, tổ dân phố, quận Long Biên và các phường đã sẵn sàng thực hiện thí điểm từ đầu năm 2019 nếu được các cấp thẩm quyền của thành phố phê duyệt”, Bí thư Quận ủy Long Biên cho biết.
Đánh giá cao kết quả xây dựng đề án của quận Long Biên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, đây là việc làm rất cần thiết, đồng thời yêu cầu các cơ quan thành phố mở rộng địa bàn thí điểm; ngoài quận Long Biên, chọn thêm một số quận, huyện có tính đặc thù để thực hiện. Ðồng chí lưu ý, các giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy, người hoạt động không chuyên trách phải gắn với sắp xếp các thôn, tổ dân phố theo quy định. Cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan phải dự báo chính xác tình hình, có giải pháp lâu dài, tránh "làm đi, làm lại" vừa gây xáo trộn, vừa lãng phí.
Có thể nói, trước những bất cập đặt ra với tổ chức bộ máy, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, Hà Nội đã tích cực tìm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, việc thí điểm sẽ thuận lợi hơn nếu Chính phủ sớm ban hành quy định cụ thể, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, thời gian làm việc của người hoạt động không chuyên trách; đồng thời điều chỉnh mức khoán phụ cấp theo hướng tăng lên để khuyến khích người hoạt động không chuyên trách tích cực công tác...