Không chủ quan, lơ là

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:08, 09/01/2019

(HNM) - Tin tốt lành là năm 2018, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người trên địa bàn Hà Nội có xu hướng giảm mạnh, nhất là sốt xuất huyết. Tuy nhiên, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thời tiết thất thường cộng với nhiều hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra nên không thể chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh.


Đáng lo nhất là, cùng với các loại dịch bệnh đang lưu hành trong nước thì một số bệnh nguy hiểm, mới nổi có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam, nếu chúng ta không có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Đặc biệt, thời điểm Tết Nguyên đán - lễ hội Xuân 2019, người dân thường tập trung đông tại một số khu vực để vui chơi, mua sắm nên nguy cơ bệnh dịch lây qua đường hô hấp, tiêu hóa (nếu có) luôn ở mức cao. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là ở khu vực làng nghề chưa tốt, tạo điều kiện để các bệnh truyền nhiễm gia tăng.

Hà Nội - nằm ở vị trí trung tâm, tiếp giáp với nhiều địa phương, có các cửa ngõ ra vào thành phố, nên công tác quản lý dịch bệnh động vật, gặp không ít khó khăn, phức tạp. Hà Nội cũng có cửa khẩu quốc tế tại sân bay Nội Bài, với hàng nghìn người xuất, nhập cảnh mỗi ngày nên nếu việc kiểm soát không tốt thì nguy cơ dịch bệnh xâm nhập càng lớn.

Với những lý do đó, càng vào thời điểm nhạy cảm cuối năm, càng phải đặc biệt cảnh giác với dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh bài học dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh trên địa bàn Hà Nội hồi năm 2017 vẫn còn nóng hổi. Qua đây cho thấy, khắc phục ngay những hạn chế, đầu tư đúng mức cho công tác phòng dịch vẫn là nhiệm vụ, mục tiêu xuyên suốt của ngành Y tế, đơn vị liên quan và các địa phương.

Giải pháp bền vững, hiệu quả nhất trong phòng bệnh vẫn là thực hiện nghiêm kế hoạch, lịch tiêm chủng cho trẻ nhỏ, bảo đảm độ bao phủ để bảo vệ cộng đồng. Thực hiện tốt việc vệ sinh tiêu độc, xử lý môi trường ngăn chặn mầm bệnh cũng như quản lý chặt việc xuất, nhập gia súc, gia cầm. Tăng cường thông tin tuyên truyền, tập huấn về đặc điểm, dấu hiệu nhận biết, tính chất nguy hiểm, lây lan và biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh để nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng cùng thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh cần làm thường xuyên, liên tục.

Ngoài ra, cần duy trì hiệu quả hoạt động của hệ thống giám sát thuộc ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm phát hiện sớm dịch bệnh và sự cố về an toàn thực phẩm ở trong nước cũng như quốc tế để chủ động áp dụng các biện pháp can thiệp kịp thời. Lực lượng y tế, thú y cơ sở chuẩn bị đầy đủ các phương án, phương tiện, thuốc men, hóa chất, để chủ động ngăn chặn, khắc phục triệt để các dịch bệnh; sẵn sàng các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết. Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, thường xuyên chia sẻ thông tin và phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, các dịch bệnh thường xảy ra trong cơ sở giáo dục...

Về lâu dài, ngành Y tế tiếp tục củng cố hệ thống y tế dự phòng nói chung và mạng lưới cán bộ làm công tác phòng, chống dịch nói riêng; tăng cường vai trò của y tế cơ sở, đội ngũ cộng tác viên cộng đồng; bảo đảm đầy đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch... Đặc biệt là tăng cường kiểm tra, xử lý cá nhân, tổ chức không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Mọi người dân ai cũng có thể mắc bệnh nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Vì vậy, từng cá nhân, hộ gia đình cần thay đổi hành vi, thói quen chưa tốt để bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng.

Chí Kiên