ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Cần hiểu đúng quy định về ghi âm, ghi hình trong hoạt động tiếp công dân
Đời sống - Ngày đăng : 17:18, 10/01/2019
| ||
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết, ông đã đọc quy định về nội quy tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân thành phố vừa được UBND TP Hà Nội ban hành tại Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 3-1-2019. Trên cơ sở đó, ông cho rằng, mọi người cần hiểu rõ quy định như vậy không phải là khi cán bộ tiếp công dân, sẽ cấm hoàn toàn việc người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm.
"Quy định này của Hà Nội không vi phạm Hiến pháp, pháp luật. Bởi Hà Nội không cấm, mà chỉ nêu khi cán bộ tiếp dân chưa đồng ý thì người dân không được quay, chụp, ghi âm. Quy định này là cần thiết để tránh tình trạng có người dân lợi dụng việc quay phim để đưa lên mạng không trung thực, với mục đích không tốt, làm ảnh hưởng đến công việc của Nhà nước, xâm phạm đến hình ảnh, quyền của cán bộ tiếp dân" - ông Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.
Cũng theo Phó Trưởng ban Dân nguyện, trụ sở tiếp công dân là cơ quan công quyền nên phải có nội quy và khi công dân đến làm việc, cần tôn trọng nội quy.
"Cán bộ tiếp công dân thường là những người có kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử, vững về chuyên môn nên không hề ngại về việc cuộc làm việc với người dân được ghi âm, ghi hình. Người dân đến làm việc được chụp ảnh, quay phim, ghi âm, nhưng cần giữ trật tự, không lộn xộn, gây ảnh hưởng đến việc tiếp công dân. Đối với người dân, sau khi làm việc, có đoạn ghi âm hay clip có thể làm họ yên tâm hơn, bởi đó còn là căn cứ cho quá trình giải quyết vấn đề của họ" - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Ghi âm, ghi hình phải chính xác, công tâm
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, cán bộ tiếp công dân của Ban tiếp công dân quận Đống Đa chia sẻ, khác với suy nghĩ của nhiều người cho rằng các cán bộ tiếp dân "ngại" hoặc "né" việc ghi âm, ghi hình, thực tế, chính những người làm việc ở bộ phận này lại cảm thấy vững tâm hơn nhiều nếu toàn bộ cuộc làm việc, tiếp công dân được ghi âm, ghi hình một cách trung thực, khách quan.
"Đã có trường hợp công dân khi không thoả mãn được mong muốn của mình, dù đã được chúng tôi giải thích cặn kẽ về trách nhiệm, thẩm quyền của cán bộ tiếp dân, hay sự việc của họ đã được giải quyết hết thẩm quyền, họ lập tức có hành vi, lời nói xúc phạm. Là cán bộ tiếp dân, chúng tôi luôn ý thức nhiệm vụ của mình, kiềm chế tốt. Nhưng sự kiềm chế ấy cũng phải được ghi nhận. Do đó, nếu không có hệ thống camera ghi âm, ghi hình lại thì sẽ không khách quan, công tâm. Trụ sở làm việc của Ban tiếp công dân quận Đống Đa đã được trang bị hệ thống camera ghi âm, ghi hình từ lâu, hoạt động liên tục" - bà Nguyễn Thị Thanh Huyền nêu.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, trên thực tế, có trường hợp khi công dân đến làm việc với thái độ, lời nói hoặc cử chỉ không đúng mực, cán bộ tiếp dân đều lưu ý họ giữ bình tĩnh bởi tại nơi làm việc có lắp đặt camera. Trong trường hợp công dân có yêu cầu họ sẽ được trích xuất, bàn giao hình ảnh, âm thanh buổi làm việc để bảo đảm tính khách quan.
"Cũng chính nhờ hệ thống camera này, không khí làm việc tại trụ sở chuẩn mực hơn rất nhiều" - bà Nguyễn Thị Thanh Huyền khẳng định.
Cán bộ tiếp dân mong muốn việc ghi âm, ghi hình bảo đảm đúng sự thật, khách quan. Ảnh minh hoạ |
Từ góc độ một cán bộ tiếp nhận đơn, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng, quy định mới của thành phố sẽ giúp bảo đảm quyền lợi cho cả hai phía, đặc biệt là tạo ra môi trường làm việc công khai, minh bạch.
"Cán bộ tiếp nhận đơn thư như chúng tôi không hề ngại ngần, người dân có thể quay phim, ghi hình, ghi âm theo nhu cầu của họ. Tuy nhiên, có những trường hợp người ta lén lút hoặc cố tình quay phim, chụp ảnh để đe doạ, tạo áp lực. Thậm chí đã có người gí thẳng điện thoại quay mặt cán bộ tiếp dân hoặc cắt ghép âm thanh, hình ảnh... khiến bản chất sự việc không còn trung thực nữa để đưa lên mạng xã hội, lái dư luận hiểu theo hướng "cán bộ vô cảm", "cán bộ hành dân"..., trong khi thực tế không phải vậy. Gặp những trường hợp đó, chúng tôi cảm thấy mình bị thiếu tôn trọng, thậm chí bị xúc phạm. Do đó, việc quay phim, ghi hình nên được tiến hành công khai, minh bạch, quay hình ảnh và ghi âm thanh rõ ràng, đầy đủ, từ cả hai phía để bảo đảm sự thật" - bà Nguyễn Thị Thanh Huyền nói.
Cũng theo nữ cán bộ tiếp dân này, công dân nên nhìn nhận quy định như vậy sẽ giúp bảo đảm quyền lợi cho chính họ khi việc ghi âm, ghi hình được diễn ra thuận lợi, thoải mái, minh bạch, công khai. Toàn bộ bối cảnh của cuộc làm việc sẽ được ghi lại dưới sự chứng kiến của nhiều người, chứ không phải là những "lát cắt" thiếu công tâm, khách quan.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết thêm, để tạo điều kiện cho người dân được thuận lợi hơn trong việc ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp công dân quận, đơn vị đang tính đến việc bố trí, thiết kế các vị trí phù hợp để công dân có thể đặt thiết bị ghi âm, ghi hình. Vị trí này sẽ bảo đảm ghi nhận lại toàn bộ hình ảnh, âm thanh từ buổi làm việc một cách toàn diện, khách quan, bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên.