Tác động tới nếp nghĩ, thói quen
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:36, 12/01/2019
Thực vậy, lượng hàng hóa tiêu thụ mỗi năm vào dịp Tết luôn rất lớn. Sức mua dịp Tết Kỷ Hợi này ở nhiều nơi cũng được dự báo là tăng mạnh so với năm trước. Sức mua như vậy, cộng với nguồn hàng gia tăng nếu không kiểm soát tốt thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân sẽ là điều khó tránh.
Thực tế, năm 2018, trên phạm vi cả nước, qua thanh tra đã phát hiện hơn 100.000 cơ sở vi phạm. Còn ở Hà Nội, cũng có đến hơn 8 nghìn cơ sở sản xuất thực phẩm kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm, bị xử lý… Đấy mới là con số công bố, còn rất có thể, việc sản xuất cũng như tiêu dùng hàng trôi nổi, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cả năm, đặc biệt là dịp Tết còn lớn hơn nhiều. Nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân cũng như mầm mống của sản xuất hàng hóa nặng về chụp giật, thiếu bền vững… vẫn còn đó, không hề dễ kiểm soát.
Vấn đề đặt ra ở đây là chính nếp nghĩ, thói quen tiêu dùng nặng về cảm tính, thiếu căn cứ tin cậy của người dân đã phần nào tiếp tay cho hàng hóa, thực phẩm “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng) được vô tư tiêu thụ. Quan sát trực tiếp của các phóng viên mỗi khi Tết đến cũng như công bố của cơ quan quản lý dịp này đã khẳng định rất rõ tính khó kiểm soát và nguy cơ tiềm ẩn lớn từ thói quen của chính người tiêu dùng.
Không ai có thể giám sát việc sử dụng thực phẩm an toàn tốt hơn bản thân người tiêu dùng. Chưa kể, thái độ, sự lựa chọn của người dùng là nhân tố quyết định lớn đến sự thay đổi của cơ sở sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hơn, tuân thủ đầy đủ các quy định về nguyên liệu, chế biến, bao bì, nhãn mác… Ghi nhận từ những chuyển biến trong hoạt động sản xuất bánh kẹo ở một số cơ sở của Hà Nội vừa qua là minh chứng cho hiệu quả từ sự tác động nhiều phía: Thái độ người tiêu dùng, công tác thanh tra hiệu quả, truyền thông tốt…
Vì vậy, để có một mùa tiêu dùng, sản xuất an toàn về thực phẩm mỗi dịp Tết đến, xuân về, phải có những hoạt động làm thay đổi mạnh mẽ nếp nghĩ, thói quen trong lĩnh vực này. Trong đó, truyền thông mạnh tới người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất thông qua nhiều kênh là việc làm không thể thiếu. Truyền thông sắc bén còn mang tính cảnh báo khi chỉ ra được cơ sở vi phạm giúp người dân nói “không” dứt khoát hơn; hướng dẫn họ đến với những địa chỉ, sản phẩm tin cậy…
Đặc biệt, hoạt động kiểm tra, giám sát, ngăn chặn việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm mất an toàn dịp Tết phải được tiến hành hiệu quả thông qua đột xuất và thường xuyên. Và lâu dài, quan trọng hơn cả là các cấp, các ngành, chính quyền địa phương chung tay tạo điều kiện cho một nền sản xuất hàng hóa lành mạnh, phát triển để thực phẩm mất an toàn không còn chỗ đứng…
Mỗi người dân ý thức hơn trong việc sử dụng sản phẩm an toàn, tham gia đấu tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng thì lâu ngày cũng sẽ hình thành nếp nghĩ, thói quen sử dụng hàng rõ nguồn gốc, nhãn mác đầy đủ, đúng quy định.
Có được những thói quen sử dụng, sản xuất thực phẩm an toàn ấy là có được cơ chế tốt bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ sự an vui vẹn tròn trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.