Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm?
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:39, 12/01/2019
Đây là bệnh mà hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, nhưng ở một số trường hợp, bệnh diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bị phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân là một trong những dấu hiệu bị bệnh tay chân miệng |
Tính riêng tại Hà Nội, năm 2018, số ca mắc tay chân miệng là hơn 2.120 trường hợp, tăng so với năm 2017. Điều đáng mừng là không ghi nhận ca nào tử vong. Trong tuần đầu của năm mới 2019, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận ca mắc bệnh này.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Đăng-chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế), bệnh tay chân miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhóm dưới 3 tuổi. Người lớn ít bị mắc bệnh hơn. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm.
Nguyên nhân gây bệnh là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.
Bệnh chủ yếu lây qua đường tiêu hoá. Sau khi bệnh nhân khỏi bệnh, virus vẫn có thể đào thải qua phân vài tuần. Virus gây bệnh có thể tồn tại trên các vật dụng sinh hoạt trong gia đình, đồ chơi của trẻ nhỏ, ở bàn tay của người chăm sóc trẻ.
Một số yếu tố có thể làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát dịch như: Mật độ dân số cao, không gian sống chật chội; điều kiện vệ sinh kém, thiếu nhà vệ sinh, thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Hiện chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh tay chân miệng.
Bệnh có biểu hiện điển hình là: Sốt, đau họng, biếng ăn, loét miệng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Vì vậy, khi thấy các dấu hiệu trên, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tể để được tư vấn và xử lý kịp thời.
Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, một người có thể nhiễm bệnh nhiều lần do mỗi lần nhiễm, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định. Do đó, người bệnh vẫn có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm các virus khác.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Đăng, hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp có thể dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để phát hiện sớm biến chứng, cần theo dõi sát sao các triệu chứng của tình trạng nặng như: Sốt cao liên tục, quấy khóc dai dẳng, giật mình, ngủ nhiều, nôn khan…Vì vậy, “tốt nhất, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cần đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời”, bác sĩ khuyến cáo.
Các biện pháp phòng chống tay chân miệng - Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (bao gồm cả người lớn và trẻ em). Đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. - Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu. |