Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi

Sức khỏe - Ngày đăng : 15:26, 12/01/2019

Có một số ít người hiểu được tác hại thật sự của thuốc lá, nên ngừng hút, còn hầu như việc hút thuốc lá đang diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi và không khó để bắt gặp một người đang dùng thuốc lá. Thế nhưng, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây nên khá nhiều căn bệnh ung thư, nhất là căn bệnh ung thư phổi.


Theo khảo sát của Bệnh viện K vào năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi liên quan đến hút thuốc lá lên tới 96,8%. Kết quả này hoàn toàn có cơ sở, bởi trong thuốc lá có tới 7.000 chất độc hại. Chúng hoành hành tàn phá cơ thể người sử dụng theo mức độ từ nhẹ tới nặng, cuối cùng là ung thư ập đến tiêu diệt sự sống, khiến nạn nhân tử vong.

Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây hơn 90% số ca tử vong, vì ung thư phổi. Trên thế giới tỉ lệ mắc ung thư phổi tăng khá nhanh trong vòng 60 năm qua, tăng hơn nhiều so với các loại ung thư khác và tỉ lệ này cho thấy có sự liên quan mật thiết với việc số người hút thuốc tăng lên.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc ung thư phổi ở những người hút thuốc cao hơn những người không bao giờ hút thuốc 20 lần. Khi hút thuốc lá với lượng lớn hơn và thời gian hút dài hơn, nguy cơ ung thư phổi tăng lên.

Đây chính là căn bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất do hút thuốc lá gây nên. Người hút thuốc lá trong vòng 6 tháng có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Đặc biệt, người hút thuốc lá có thể chết sớm hơn 20 năm so với người không hút. Người hút thuốc lá càng sớm, càng nhiều thì nguy cơ mắc phải căn bệnh ung thu phổi càng cao, càng nghiêm trọng.

Ngoài ra, tác hại của khói thuốc, không chỉ đối với người hút mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh - những người được coi là bị hút thuốc lá “thụ động”. Khi tiếp xúc với môi trường có nhiều khói thuốc, nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi rất cao.

Bệnh ung thư phổi chiếm tới 20% trong tất cả các bệnh ung thư hiện nay và gần như là đứng đầu trong hàng trăm loại ung thư. Hầu hết những người mắc bệnh ung thư phổi mà chúng ta thống kê được, một ngày họ đã hút tới hơn 10 điếu thuốc; số bệnh nhân còn lại bị ung thư phổi mà không hút thuốc, là do họ đã hít phải một lượng đáng kể khói thuốc lá của người khác hút.

Những công nhân tiếp xúc với bụi silic trong quá trình làm việc cũng có nguy cơ cao bị ung thư phổi và nguy cơ này sẽ tăng gấp nhiều lần, nếu họ đồng thời có hút thuốc lá.

Bệnh ung thư phổi thường diễn ra âm thầm, nên rất nhiều người chủ quan và các triệu chứng cũng thường xuất hiện muộn. Chính vì vậy, hầu như những người bị mắc bệnh ung thư phổi đều phát hiện muộn, nên tỷ lệ tử vong do ung thư phổi rất cao.

Người đang hút thuốc mà bỏ hút thì nguy cơ bị ung thư sẽ giảm dần theo thời gian. Sau 5 năm ngừng hút thì nguy cơ bị ung thư phổi giảm đi 50% và sau 10 năm ngừng hút thì nguy cơ còn không đáng kể, gần như người không hút.

Những người không hút thuốc nhưng sống hoặc làm việc trong môi trường cùng với người hút thuốc cũng có nguy cơ mắc các loại bệnh liên quan đến thuốc lá như bệnh tim mạch, hô hấp và ung thư như chính người hút, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em (hút thuốc thụ động).

Để phòng chống bệnh ung thư phổi, các chuyên gia khuyến cáo yếu tố quan trọng nhất là làm giảm số người hút thuốc lá.

Trong tháng 3-2019, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá trên toàn quốc.

Thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư phổi.

Minh Nguyệt