Điểm sáng hiếm hoi của Lục địa già
Thế giới - Ngày đăng : 07:58, 13/01/2019
Theo báo báo của cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 9-1, tỷ lệ thất nghiệp tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm xuống 7,9%. Với dữ liệu mới nhất này, tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone đang tiến gần về mốc trung bình 7,5% như trước cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, đồng thời bỏ xa mức cao kỷ lục 12,1% tại thời điểm cuộc khủng hoảng nợ bước vào giai đoạn đen tối nhất hồi năm 2013. Trong 19 thành viên Eurozone, Đức là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất với 3,3%.
Trong khi đó, Hy Lạp là nước có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất với 18,6%. Xét trên quy mô Liên minh châu Âu (EU), tỷ lệ thất nghiệp của toàn khối là 6,7%, gần như không thay đổi so với tháng trước đó. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi Eurostat bắt đầu tiến hành thống kê vào năm 2000.
Theo các nhà phân tích, tốc độ giảm thất nghiệp đều đặn là nhờ sự hỗ trợ lớn trong 3 năm qua của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nhằm giúp khu vực tiền tệ gồm 19 quốc gia thành viên phục hồi. Trong thời gian này, ECB đã mua trái phiếu trị giá hơn 2.000 tỷ euro giúp thúc đẩy tăng trưởng và đẩy lạm phát đạt mục tiêu 2%. Tuy nhiên, để giữ được tỷ lệ thất nghiệp ở mức độ ổn định, các nhà lãnh đạo châu Âu phải vượt qua rất nhiều thách thức.
Theo dự báo năm 2019, mâu thuẫn trong nội bộ Lục địa già vẫn được cho là có tác động nặng nề tới cục diện chung. Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc có thể lan sang cả EU. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu đang suy yếu, tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới đây.
Trong khi đó, việc Anh rút khỏi EU sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho cả hai phía. Tại Pháp, phe “Áo vàng” đã hợp nhất những yêu cầu về kinh tế sau khi mục đích ban đầu đổ ra đường là để phản đối thuế nhiên liệu. Còn chính phủ dân túy Italia lại đang mâu thuẫn với EU về kế hoạch ngân sách với những khoản chi tiêu mạnh tay.
Vì vậy, trong ngắn hạn, EU phải làm thế nào để vừa chứng tỏ sự linh hoạt, vừa phải siết chặt các quy tắc và kỷ luật ngân sách đối với các thành viên để củng cố sự ổn định của đồng euro. Điều này cho thấy các cuộc đàm phán phức tạp là triển vọng được dự báo cho các quốc gia EU trong năm 2019.