Bảo tồn, phát huy giá trị di sản kéo co ngồi

Văn hóa - Ngày đăng : 08:35, 13/01/2019

(HNM) - Từ một trò chơi dân gian được trình diễn vào dịp lễ hội, nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, Long Biên) mới đây đã vinh dự đón nhận Bằng UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thực hành di sản nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi tại đền Trấn Vũ. Ảnh: Nguyễn Tiến


Sợi dây gắn kết cộng đồng

Giống với nhiều di sản văn hóa trên cả nước, nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi có nguồn gốc từ câu chuyện dân gian đơn sơ, mộc mạc rồi phát triển thành nghi lễ quan trọng trong cộng đồng làng, xã. Tương tự, quá trình gìn giữ, trao truyền di sản cũng vấp phải không ít khó khăn do thăng trầm thời cuộc, biến thiên lịch sử. Khác chăng là, trong khi nhiều di sản khác chật vật với nguy cơ mai một, nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi lại được cái kết có hậu nhờ vào tình yêu và trách nhiệm với di sản của cộng đồng.

Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn Nguyễn Văn Thắng cho biết, điều cốt lõi ở đây là người dân nhận thức đầy đủ về giá trị di sản. Người dân hiểu, thực hành nghi lễ không chỉ là tiếp nối ước vọng của cha ông về mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt mà còn có ý nghĩa gắn kết cộng đồng, khẳng định bản sắc qua sợi dây di sản.

Với tư tưởng ấy, trải qua bao thế hệ cùng rất nhiều thách thức, nghi lễ và trò chơi kéo co tại đền Trấn Vũ vẫn tồn tại bền vững đến ngày nay. Trong những giai đoạn địa phương thiếu không gian thực hành, người dân vẫn khắc phục bằng cách tận dụng những bãi đất trồng hoa màu để nghi lễ không bị gián đoạn. Những người được chọn vào đội kéo co cũng luôn trong tâm thế tự hào, hãnh diện, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ông Ngô Quang Khải, Thủ từ đền Trấn Vũ cho hay: "Mặc dù theo thời gian, việc thực hành trò diễn cũng có những thay đổi nhưng về bản chất thì vẫn vậy. Ý nghĩa tâm linh của nghi lễ được bảo đảm, không bị biến tướng như nhiều nơi khác".

Ví dụ, những năm gần đây, sau màn nghi lễ kéo co ngồi truyền thống dành cho nam, còn có thêm hoạt động kéo co ngồi cho nữ rất được người dân ủng hộ bởi đây là sự kiện bên lề, đem lại những phút giây sảng khoái, đồng thời giúp các thế hệ người dân càng thêm gắn bó với di sản.

Hay như trước đây, cộng đồng cầu mạn (xóm) Đường thắng để làng mưa thuận, gió hòa, thì nay, người ta cũng mong mạn Chợ thắng để việc làm ăn, buôn bán trong vùng thêm phát đạt. Việc thay đổi đội thắng, thua không quan trọng bởi cốt lõi là niềm tin vào tính thiêng của trò diễn không thay đổi.

Câu chuyện gìn giữ di sản

Trái với việc phải đối mặt với nguy cơ mai một, di sản nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ không những tồn tại mà còn phát triển. Ngay sau khi nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi được các cấp lập hồ sơ bảo tồn, việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản ở địa phương càng được chú trọng hơn. Với sự hỗ trợ về chuyên môn của Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản, chính quyền địa phương, nhân dân phường Thạch Bàn đã tổ chức thành công nhiều đợt thực hành, truyền bá di sản cho thế hệ trẻ. Trong đó, chỉ riêng năm 2018, di sản đã có hơn 4,5 nghìn lượt người đăng ký tham gia các đợt trải nghiệm, tìm hiểu.

Một khu đất rộng tới 4 nghìn mét vuông trước khuôn viên đền Trấn Vũ cũng vừa được địa phương quy hoạch thành không gian thực hành nghi lễ nhằm tạo điều kiện để di sản được bảo tồn bền vững. Những tồn tại trong việc thiếu cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các cộng đồng cùng gìn giữ kéo co ngồi cũng vừa được tháo gỡ.

Mới đây, đội kéo co của địa phương đã được gặp gỡ, giao lưu cùng đội kéo co truyền thống từ Hàn Quốc, quốc gia cùng hợp tác với Việt Nam trong việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo bà Nguyễn Kim Dung, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa: Thuận lợi là người dân địa phương hiểu ý nghĩa và được chủ động trong việc bảo tồn, phát huy giá trị với sự đồng hành, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm từ chính quyền và các cơ quan chuyên môn.

Tuy nhiên, không phải không có những thách thức trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, như thiếu kinh phí cho công tác bảo vệ và trao truyền; mai một về những giá trị văn hóa và tâm linh chưa được kịp thời nhận diện, phục hồi; nguồn vật liệu truyền thống như cây Song (dùng trong nghi lễ kéo co ngồi) ngày một khan hiếm; các địa phương cùng có di sản được UNESCO vinh danh: Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc chưa có sự phối hợp để đẩy mạnh việc bảo tồn.

Để hỗ trợ bảo tồn bền vững di sản, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: Các cơ quan quản lý văn hóa từ trung ương đến địa phương cần có sự đầu tư thỏa đáng cho cộng đồng, trong đó có chế độ đãi ngộ dành cho nghệ nhân tích cực đóng góp bảo vệ di sản. Có hình thức quảng bá, phổ biến phù hợp để xã hội thấy được ý nghĩa, từ đó chung tay chia sẻ với nhóm cộng đồng sở hữu di sản.

Tiếp tục nghiên cứu, tư liệu hóa và kiểm kê cập nhật thông tin định kỳ về tình trạng di sản, bổ sung những di sản kéo co mới phát hiện vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hợp tác, trao đổi thông tin, kiến thức, giao lưu trình diễn với các hiệp hội, cộng đồng bảo vệ của các nước thành viên có di sản này.

Nguyễn Thanh