Giải mã kịch Pháp bằng sân khấu ước lệ

Văn hóa - Ngày đăng : 08:44, 13/01/2019

(HNM) - Một lần nữa đoàn kịch thầy và trò LucTeam lại đem đến không khí mới mẻ cho sân khấu Thủ đô với kiệt tác “Nữ ca sĩ hói đầu” của nhà viết kịch Pháp đại tài Eugène Ionesco.


Đã tạo ấn tượng và hình thành một con đường kịch mới sau vở “Quẫn” (tác giả Lộng Chương) và “Cơn ghen của Lọ Lem” (tác giả Molie), LucTeam ngày càng tỏ ra sung sức với những dự án táo bạo hơn. “Nữ ca sĩ hói đầu” ra mắt công chúng Thủ đô tối 12-1 là minh chứng thú vị.


Đây là tác phẩm đầu tay của nhà văn, nhà viết kịch Eugène Ionesco. Ông là người đi đầu trong trường phái kịch phi lý hay còn gọi là hài kịch nghịch dị của phương Tây hiện đại. Nội dung vở kịch “Nữ ca sĩ hói đầu” thực chất chỉ là những sự kiện rời rạc diễn ra trong một gia đình trưởng giả ở nước Anh.

Thông qua những đoạn đối thoại nhạt nhẽo, có lúc mâu thuẫn, có lúc vô nghĩa của các nhân vật, tác giả muốn giễu cợt khả năng sử dụng ngôn ngữ và biểu đạt tư duy của một tầng lớp trong xã hội. Đồng thời, qua các tình tiết phi lý, kỳ dị, nửa thực nửa hư, Ionesco cũng đề cập đến thân phận nhỏ bé của con người. Gần 70 năm ra đời, “Nữ ca sĩ hói đầu” vẫn được diễn tại Nhà hát Huchette (Paris, Pháp) và đang giữ kỷ lục vở kịch được công diễn với mật độ dày nhất từ trước đến nay ở đất nước này.

Tại Việt Nam, giới sân khấu đương nhiên đã học về dòng kịch phi lý nhưng chưa ai mạnh dạn đưa lên sân khấu. Tính phi cốt truyện, phi xung đột và phi tính cách trong thể loại này thực sự là thách thức với bất cứ đạo diễn nào. Nên phải nói rằng, với việc dàn dựng “Nữ ca sĩ hói đầu”, đạo diễn Trần Lực gây chú ý không chỉ với khán giả mà cả giới làm nghề.

Để hóa giải những mấu chốt trên và tạo sự phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người Việt, đạo diễn đã dùng ngôn ngữ ước lệ biểu hiện mà mình nghiên cứu nhiều năm và đang hướng LucTeam đi theo. Ngôn ngữ biểu diễn này xuất phát từ các bộ môn nghệ thuật dân tộc như tuồng, chèo, vốn là tả ý chứ không tả thực, càng dễ nêu bật tinh thần phi lý của tác phẩm.

Vở kịch phương Tây ra đời từ năm 1950 bước lên sân khấu Việt khá tự nhiên. Giống như những vở trước, đạo diễn Trần Lực sử dụng sân khấu tối giản với hai màu đen và trắng. Diễn viên chỉ gồm 8 người, hóa trang và mặc trang phục giống nhau. Khán giả tinh ý sẽ nhận ra cách vẽ mặt và phục trang ấy được cách điệu từ sân khấu tuồng. Vở kịch lấy diễn xuất làm trung tâm.

Bằng ánh mắt, nét mặt, cách nhả chữ, khả năng giải phóng cơ thể, động tác, sự di chuyển, các diễn viên đã cuốn khán giả vào câu chuyện kịch thay vì thụ động xem và chờ kết quả. Xúc cảm mà các diễn viên và sân khấu mang lại đủ để khán giả cảm giác mình thực sự có được những phút giây giải trí ý nghĩa. Đó là điểm mạnh của kịch phi lý và LucTeam.

Bên cạnh đó, các bài hát nhạc trẻ, nhạc dân ca, những “từ khóa” gợi về nhiều sự kiện, sự việc đang “nóng” trong đời sống như Quang Hải, Park Hang-seo, phở, lẩu, cà phê, thực phẩm “bẩn”, cái tát… được khéo léo đưa vào khiến vở kịch phương Tây trở nên gần gũi với công chúng Việt hơn.

“Nữ ca sĩ hói đầu” sẽ tiếp tục được diễn thường xuyên tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) trong năm 2019. Đạo diễn Trần Lực còn hứa hẹn, mỗi lần diễn, tác phẩm sẽ có khác biệt. Chẳng hạn như các buổi sau sẽ có thêm nghệ sĩ Lương Huệ Trinh tham gia biểu diễn âm nhạc trực tiếp trên sân khấu, tương tác với diễn viên như một phần của vở kịch. Hoặc biên kịch và đạo diễn sẽ thay đổi lời thoại, cập nhật những bài hát, “từ khóa” mới cho diễn viên...

An Nhi