Khẳng định niềm tin vào sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Xây & Chống - Ngày đăng : 06:29, 14/01/2019
Biểu hiện này, nếu không được khắc phục và loại trừ kịp thời sẽ tác động tiêu cực tới quá trình triển khai, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo, đồng thời ảnh hưởng đến sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta.
Nhìn nhận tổng thể, một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có biểu hiện nêu trên là những người có lập trường tư tưởng chính trị không vững vàng, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hơn nữa, đó còn là những phần tử suy thoái, biến chất hoặc bị kỷ luật sinh ra bất mãn, bị các thế lực thù địch tác động, lôi kéo, mua chuộc.
Nắm rõ biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đó, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách để chống phá. Thủ đoạn của chúng là, lợi dụng sự thoái hóa, biến chất, tham nhũng của một số ít cán bộ, đảng viên để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới và sự khởi sắc của vùng đồng bào dân tộc, vùng đông đồng bào có đạo sinh sống nhằm làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng, chính quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Cùng với đó, chúng còn tung tin xuyên tạc Đảng, Nhà nước ta không tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phân biệt đối xử với đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ra sức dụ dỗ, lôi kéo các đối tượng có hận thù với cách mạng, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị để tạo dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng chống đối. Các thế lực thù địch còn lôi kéo, ép buộc đồng bào các dân tộc, tôn giáo chống đối chính quyền, vượt biên trái phép, gây mất ổn định chính trị - xã hội, tạo các điểm “nóng” để vu khống Việt Nam đàn áp đồng bào dân tộc thiểu số, đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền nhằm chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch còn tiến hành hoạt động chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng, kích động mâu thuẫn, xung đột, nhất là đối lập về hệ tư tưởng giữa “hữu thần” với “vô thần”... Đáng lưu ý, một số tổ chức phản động người Việt lưu vong lợi dụng hoạt động tài trợ và thông qua hoạt động từ thiện để chuyển tài liệu tôn giáo có nội dung phản động vào trong nước, xuyên tạc bản chất chế độ ta, kích động tư tưởng chống đối…, tìm mọi cách đẩy mạnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Thực tế đã minh chứng, với chủ trương, chính sách, pháp luật đúng đắn của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, những năm qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Chưa bao giờ đời sống tôn giáo ở nước ta lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Các tôn giáo chung sống gắn bó, hòa hợp, “tốt đời, đẹp đạo”, phúc âm trong lòng dân tộc. Các tín đồ, chức sắc tôn giáo yên tâm, tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.
Để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đặc biệt là biểu hiện: “Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước” cũng như sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực này cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Trước hết, cần thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, Quy chế dân chủ ở cơ sở, chính sách đất đai, chính sách cán bộ… để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực này. Đồng thời, phải nắm chắc tâm tư, tình cảm của quần chúng, vận động các tầng lớp nhân dân đề cao trách nhiệm công dân, giải quyết tốt các mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ, xây dựng và tạo sự đồng thuận xã hội; không để xảy ra biểu tình, bạo loạn; giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống.
Đặc biệt, phải tập trung thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống nhân dân ở các vùng chiến lược và các địa bàn trọng điểm.
Tiếp đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người nhẹ dạ, cả tin, bị mua chuộc, bị lôi kéo; phân hóa, cô lập kẻ cầm đầu, cực đoan; phát huy sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng nhằm phát hiện kịp thời và đấu tranh hiệu quả với hoạt động phá hoại của các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Bên cạnh đó, phải kịp thời vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ dân tộc, chống phá cách mạng nước ta.
Mặt khác, chú trọng công tác xây dựng lực lượng chính trị, cơ sở cốt cán trong tôn giáo; làm tốt công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong tín đồ tôn giáo. Ngoài ra, các địa phương, cơ sở cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể; nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo chuyên trách ở tỉnh, huyện, xã, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới. Qua đó, giúp đồng bào có đạo tuân thủ pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, cảnh giác và góp phần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Đặc biệt là không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo sức đề kháng trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và chống mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo.
Theo đó, cần tuân thủ những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc như: Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên nền tảng khối liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện đại đoàn kết phải rộng rãi, lâu dài; mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội…